“Đặc sản” cá lóc đập
Khi nghe đến tên gọi này, không ít người sẽ nghĩ, cá lóc đập có gì đâu mà gọi là đặc sản. Đó là cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi nghe đến món ăn này. Anh Võ Văn Tùng (sinh năm 1974, ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng), chủ quán “Tùng Táo” là người chế biến món ăn độc, lạ này.
Theo anh Tùng, đây là món ăn mới, do anh nghĩ ra nên chỉ xuất hiện trên thực đơn vài tháng gần đây, rất ít người biết đến. “Món ăn này chịu khó đợi lâu một chút, vì chế biến công phu, khoảng hơn 1,5 tiếng!”- anh Tùng bảo.
Nói thật, đang lúc bụng “biểu tình” mà nghe phải đợi chế biến rất lâu, người bạn đi cùng tôi có chút lưỡng lự. Song, tôi vẫn quyết tâm phải nếm cho bằng được món cá lóc đập là thế nào, tại sao phải mất nhiều thời gian đến vậy?
Khá lâu sau đó, anh Tùng bưng món “đặc sản” của quán ra “chào hàng”. Nhìn quanh chỉ thấy dĩa rau, bún, nước chấm và một vật gì dài như khúc củi khô, chúng tôi đã bắt đầu thấy thú vị với món ăn được giới thiệu này.
“Đây, cá lóc đập! Muốn thấy cá xuất hiện, hãy lấy 2 chiếc muỗng gõ nhẹ, dọc theo “khúc cây” này. Nhớ là phải gõ thật đều tay để lớp vỏ bên ngoài không làm ảnh hưởng đến thịt cá” - anh Tùng hướng dẫn cách ăn.
Tính tò mò càng kích thích sự hứng thú của chúng tôi với món ăn dân dã này. Đập đến khi lớp vỏ hơi rạn nứt, anh Tùng dùng tay tách nhẹ, để lộ con cá lóc ngon lành bên trong, không bị sứt mẻ sớ thịt nào. Chẻ dọc theo sống lưng con cá, anh Tùng rưới ít mỡ hành, đậu phộng lên.
Thịt cá mềm ngọt, được cuốn kèm với bánh tráng, rau sống, bún và chấm với ít mắm me, làm “tan chảy” cả những thực khách khó tính nhất. Cách ăn của món này không khác với cá lóc nướng là mấy nhưng chính sự khéo léo, sáng tạo trong chế biến đã mang đến hương vị hoàn toàn mới lạ, góp thêm sự phong phú cho ẩm thực.
Món ăn “kén khách”
Tại sao chúng tôi lại dùng từ “kén khách” khi nói đến món cá lóc đập của quán anh Tùng. Thật ra, nói đến độ dân dã, tôi cho rằng món ăn này không nằm ngoài danh sách. Nhưng “kén khách” là vì không phải lúc nào đầu bếp cũng có thời gian làm.
“Nguyên liệu chế biến cá lóc đập rất đơn giản, thậm chí dễ mua, dễ tìm. Song, cái khó ở đây là quy trình chế biến đòi hỏi sự tỉ mỉ. Con cá được chọn phải còn tươi, trước khi bao bọc lớp nguyên liệu bên ngoài để nướng phải được rửa sạch nhưng không mổ bụng hay đánh vẩy. Thời gian nướng kéo dài gần 2 tiếng trên ngọn lửa vừa phải.
Quá trình đó, đầu bếp phải túc trực canh lửa, trở cá liên tục. Chỉ cần lơ là lớp vỏ sẽ cháy không đều và có thể vỡ vụn ngay lập tức. Vì thế, mỗi lần khách gọi món này, quán phải dành riêng 1 đầu bếp chế biến, không làm việc gì khác. Gặp lúc khách đông thì coi như thua, chúng tôi ít người nên không thể đáp ứng nhu cầu của khách được!” - chủ quán Tùng Táo chia sẻ.
Nghe anh Tùng bày tỏ, chúng tôi mới hiểu hết sự vất vả của người đầu bếp. Vì trước khi ra mắt chính thức món cá lóc đập, anh phải suy nghĩ rất nhiều. Nào là cách thức chế biến để tạo nên món ăn mới lạ. Đặc biệt là khi thưởng thức một lần, thực khách sẽ không quên hương vị mộc mạc, dân dã. Điều làm nên sự độc đáo cho món ăn chính là nguyên liệu bao bọc con cá lóc.
Theo anh Tùng, đó là muối hột được kết hợp với 1 nguyên liệu “bí mật” anh phải đặt mua tận Sa Pa (Lào Cai) mới có. Với độ dày chừng 1,5-2cm, lớp vỏ này đã giữ nguyên cả phần vẩy cá khi chín và giúp thịt cá mềm ngọt, thơm ngon hơn.
Nếu bạn đã thấy bị lôi cuốn bởi món cá lóc đập hãy đến ngay xã Mỹ Hòa Hưng để được thưởng thức.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN