Khu vực bán nông sản tại siêu thị BRG (Hà Nội).
Tại Hà Nội, đã có hàng chục đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã tham gia chương trình bình ổn giá với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện là 18.000 tỷ đồng, đưa các thực phẩm thiết yếu (gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi, nông sản, lâm sản khô...) đến hơn 20.000 điểm bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, chợ truyền thống. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng, gồm nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu khác có giá trị lên tới hơn 19.000 tỷ đồng. Còn ở Bắc Giang, giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán là khoảng hơn 3.830 tỷ đồng; trong đó có 1.872 tấn gạo, đỗ các loại; 2.177 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 10.931 tấn thịt, cá, rau, củ, quả...
Về mặt hàng rau, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thành phố có hơn 13.500 ha rau màu các loại, trong đó gần 50% là rau màu chuyên canh, quy mô từ 20 ha trở lên. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung. Tại các vùng rau chuyên canh như: Vân Nội (huyện Đông Anh), Thanh Đa (Phúc Thọ), Văn Phú (Thường Tín), Khai Thái (Phú Xuyên), nhiều loại rau, củ (bắp cải, su hào, cà-rốt, khoai tây, súp lơ) đã được xuất bán. Ở tỉnh Lâm Đồng, vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã gieo trồng 24.550 ha rau, sản lượng dự kiến hơn 850.000 tấn rau. Đến nay, một số giống rau dài ngày: cà chua, cà rốt, hành tây…, đang được người dân tập trung chăm sóc; lượng rau củ này chủ yếu phục vụ thị trường Tết, dự kiến thời gian thu hoạch từ ngày 14/1 đến 20/2.
Về sản phẩm chăn nuôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Dương Tất Thắng cho biết, năm 2021 đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển; hiện đàn lợn có khoảng 28 triệu con, đàn gia cầm xấp xỉ 525 triệu con, đàn bò khoảng 6,5 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%, sản lượng trứng hơn 17,5 tỷ quả, tăng 5,1% so với năm 2020, nên nguồn cung thực phẩm không lo thiếu. Riêng ở Hà Nội, sản lượng thịt hơi các loại đạt 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát của phóng viên, giá thủy, hải sản ở các chợ dân sinh tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ. Giá cá trắm thường từ 90 đến 110 nghìn đồng/kg, cá rô phi từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg, tôm từ 250 đến 400 nghìn đồng/kg; giá thịt bò từ 270 đến 320 nghìn đồng/kg. Theo chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương bán gà ở chợ Châu Long (Hà Nội), giá gà ta hiện từ 140 đến 160 nghìn đồng/kg,
đến thời điểm áp Tết chắc tăng thêm chút ít, bởi sức mua tăng. Riêng mặt hàng thịt lợn, do nguồn cung bảo đảm cho nên có giá từ 90 đến 130 nghìn đồng/kg. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Trọng Long chia sẻ: Chuỗi chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm A-Z đang có 500 con lợn nái, 5.000 con lợn thịt để từ nay đến Tết Nguyên đán cung cấp khoảng 150 đến 200 tấn thịt lợn cho thị trường.
Để nhân dân cả nước đón Tết Nhâm Dần 2022 đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ ngày 20/12/2021 đến 12/3/2022, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thành lập sáu đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022.
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã quyết định thành lập bốn đoàn kiểm tra liên ngành từ cuối tháng12/2021 đến giữa tháng 3/2022 tại 30 quận, huyện, thị xã về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm. Đồng thời chỉ đạo ban quản lý các chợ luôn nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Ở TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra từ thành phố đến cấp phường, xã, thị trấn, tập trung vào các nhóm thực phẩm tiêu thụ nhiều. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, không rõ xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Theo ANH QUANG (Nhân Dân)