Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền

24/02/2025 - 07:45

 - Với chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL), thời gian qua, ngành VH-TT&DL đặc biệt chú trọng tuyên truyền thông qua các loại hình văn hóa - văn nghệ (VHVN), cổ động trực quan.

Các hình thức tuyên truyền này giúp truyền tải thông tin, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tạo không khí trang trọng cho các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm và sự kiện chính trị. Hình thức tuyên truyền trực quan chủ yếu được sử dụng, như: Quốc kỳ, Đảng kỳ, các loại cờ trang trí; khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động; cụm cổ động ngoài trời; triển lãm, hội chợ, tờ rơi, bướm tin; di tích lịch sử - văn hóa, nhà bia tượng niệm; bảo tồn, bảo tàng, tham quan điển hình tiên tiến… Sự đa dạng và hiệu quả của các hình thức góp phần làm nên thành công của nhiều sự kiện quan trọng.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hình thức trực quan còn được bổ sung thêm: Băng/đĩa hình, video, bảng thông tin điện tử... tăng tính trực quan, sinh động, dễ dàng tiếp cận và truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Trong năm 2024, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh phát hành 1 tài liệu tuyên truyền, 12 mẫu phướn, 155 mẫu tranh cổ động về các huyện, thị xã, thành phố.

Tuyên truyền bằng hình thức cổ động, trực quan đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến người dân

Đơn vị thực hiện 20 lượt trang trí cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị, mừng Xuân và các dịp kỷ niệm của dân tộc, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, gồm: Thay mới nội dung 227 phướn hộp, làm mới 15 phướn hộp, 136 pa-nô, 2.240 cờ màu, 22 cụm cờ, 105 băng rôn, 1.050 phướn, 2 xe tuyên truyền lưu động. Thực hiện công tác tuyên truyền trên trang fanpage của đơn vị, thu hút gần 270.000 lượt tương tác. Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tổ chức 130 cuộc triển lãm cố định, lưu động và trực tuyến phục vụ trên 153.000 lượt người xem.

Bên cạnh đó, hoạt động VHVN được coi là phương thức đặc thù trong công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương. Năm qua, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức 3 chương trình nghệ thuật, biểu diễn 230 suất văn nghệ, chiếu 232 suất phim trực tiếp và trực tuyến, phục vụ trên 206.000 lượt người xem. Bằng những hình thức biểu diễn đa dạng, như: Ca nhạc, kịch, múa, thơ ca, hội họa, các hoạt động VHVN truyền tải một cách sinh động, gần gũi và dễ hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của địa phương, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân.

“VHVN có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Ngoài ra, hoạt động VHVN còn là phương tiện để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền tải sinh động lịch sử, văn hóa, những thành tựu của địa phương

Thông qua công tác tuyên truyền, công chúng tiếp cận những giá trị văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp, phê phán biểu hiện lệch lạc, tiêu cực. Đồng thời, giúp người dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực VH-TT&DL, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tham gia vào hoạt động văn hóa, thể thao; thúc đẩy phong trào VHVN, thể dục - thể thao quần chúng, tạo môi trường sống lành mạnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Công tác tuyên truyền hiệu quả sẽ giúp giới thiệu di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch của Việt Nam ra thế giới, thu hút du khách và đầu tư.

Để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, thời gian tới, ngành VH-TT&DL tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền; bám sát sự kiện, truyền tải thông điệp một cách sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp từng đối tượng và mục tiêu. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành VH-TT&DL và cơ quan truyền thông, báo chí. Xã hội hóa công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; đầu tư kinh phí cho việc sản xuất sản phẩm VHVN có chất lượng cao; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Sử dụng công cụ truyền thông hiện đại, như: Mạng xã hội, Internet để lan tỏa thông điệp; tổ chức sự kiện trực tuyến, tương tác với công chúng... Tạo điều kiện cho hoạt động VHVN phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

THU THẢO