Xã nông thôn mới
Phà Ô Môi, dấu gạch nối gắn kết giữa một bên là nhịp sống sôi động của thành phố trẻ Long Xuyên với xã Cù lao Mỹ Hòa Hưng đang năng động vươn lên phát triển từng ngày. Xã Mỹ Hòa Hưng có diện tích khoảng 21,2km2, là nơi an cư lạc nghiệp của trên 4.500 hộ dân với hơn 23.000 nhân khẩu sinh sống, được kết nối với trung tâm TP. Long Xuyên qua 2 bến phà Ô Môi và Trà Ôn. Ấn tượng nhất về mảnh đất này là hầu hết hộ dân đều có nhà cửa khang trang, không còn cảnh dột nát; hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ được đầu tư hoàn chỉnh.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã thi đua sản xuất, khai thác tối đa mọi nguồn lực, tạo ra những kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực, nhất là sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Đến nay, tất cả các tuyến giao thông toàn xã trên 23km đã hoàn thiện láng nhựa, những con đường liên ấp và đường ra cánh đồng được bà con đóng góp xây dựng hoàn chỉnh, tạo điều kiện lưu thông dễ dàng. Đặc biệt, xã đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng (Homestay), du lịch sinh thái và sản xuất rau màu sạch để cung ứng cho thị trường…
Khoảng chục năm trước, điều kiện sản xuất còn khó khăn thì hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp của xã tăng bình quân trên 147 triệu đồng/ha, đời sống người dân ngày một nâng lên. Nếu trước giải phóng, xã chỉ có 1 - 2 điểm trường tiểu học thì nay đã đủ các điểm trường từ bậc mầm non, mẫu giáo đến THPT (trong đó nhiều trường đạt chuẩn quốc gia). Niềm vui lớn nhất là cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh) được đầu tư phát triển, đời sống bà con tốt hơn trước rất nhiều. Trước đây, cồn Phó Ba được mệnh danh là cồn “5 không” (không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không trạm), nay được đầu tư điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt, người dân được chăm sóc y tế, sinh sống và đi lại dễ dàng hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Nguyễn Sĩ Trung cho biết: Xã Mỹ Hòa Hưng xác định nông nghiệp và du lịch là kinh tế mũi nhọn. Diện tích đất canh tác chỉ chiếm khoảng 1.000ha nên địa phương mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng màu và lúa xen canh màu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng rau an toàn VietGap... Kết quả, đã tăng vòng quay của đất lên 6 - 7vụ/năm nên lợi nhuận gấp nhiều lần, đưa giá trị sản xuất trên 147 triệu đồng/ha/năm. UBND TP. Long Xuyên đã thông qua dự án vùng quy hoạch trồng rau an toàn với diện tích 48,5ha ấp Mỹ An 2, mô hình thí điểm trồng xoài Cát Chu 10ha (ở ấp Mỹ An 1)… các mô hình ứng dụng công nghệ cao của xã có hiệu quả như: trồng cúc pha lê, hoa lan, cây kiểng, nuôi lươn không bùn, sản xuất rau an toàn... Mỗi ngày, Tổ sản xuất rau an toàn cung cấp từ 500 - 700kg rau sạch cho các đầu mối tại chợ Long Xuyên, Công ty Phan Nam và Siêu thị Co.opmart Long Xuyên...
Ngoài những lợi thế từ ruộng rẫy, hoa màu, người dân xã Mỹ Hòa Hưng tranh thủ lợi thế sông nước để nuôi trồng thủy sản, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Toàn xã có 563 lồng bè và 85,45ha ao hầm, gồm: 18,9 ha ươm cá giống và theo tiêu chuẩn quốc tế là 57,34ha (trong đó có 12,4ha nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP, nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn Naturland là 6,8ha, nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và ASC là 38,14ha)...
Tiềm năng phát triển
Nằm ven con rạch Cái Mơn là làng du lịch cộng đồng với gần chục gian nhà cổ kính, xung quanh cây cối mát rượi, khu vườn hoa kiểng xanh tốt càng tô thêm khung cảnh yên bình. Ông Tôn Thất Đính (một người cháu họ của Bác Tôn), phụ trách điểm du lịch cộng đồng cho biết, ở đây có 9 hộ làm du lịch Homestay, phục vụ các hoạt động ẩm thực, lưu trú và hướng dẫn du khách tham quan; trung bình mỗi tháng đón từ 400 - 500 khách theo tour Homestay. Khai thác thế mạnh địa phương, nhiều hộ dân đầu tư các khu vườn sinh thái, phục vụ ẩm thực, duy trì các cơ sở thủ công truyền thống… để phát triển kinh tế gắn với khai thác du lịch, đời sống đã khấm khá hơn.
Tháp tùng đoàn khách quốc tế thăm xã Mỹ Hòa Hưng trên chuyến phà Ô Môi càng làm không khí thêm vui tươi. Với du khách quốc tế, được hòa mình với thiên nhiên, được thưởng thức các món ăn dân dã… thật sự rất thú vị. Chị Juliet (du khách đến từ Úc) không giấu được hào hứng khi cầm chiếc máy ảnh bấm liên tục để chụp cảnh bè cá lúc phà lướt trên sông Hậu. Thú vị nhất là lúc đoàn khách đạp xe quanh xã Mỹ Hòa Hưng, lắng nghe thuyết minh viên kể về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn. Ở đây, du khách được đi thăm các làng nghề truyền thống như: cưa xẻ gỗ, se nhang, dệt vải, dệt mùng, rèn… Đặc biệt, được đi thuyền trên sông Hậu để tìm hiểu cuộc sống người dân trên sông nước, thăm làng bè. Buổi tối, du khách được lưu trú ở các Homestay đảm bảo chuẩn phục vụ du lịch. “Được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân quả thật là một trải nghiệm thú vị. Mình đã đến đây 2 lần, dấu ấn để lại rất khó quên. Chắc chắn mình sẽ trở lại nhiều lần nữa” - chị Juliet chia sẻ.
Những ngày này về xã Mỹ Hòa Hưng, điều dễ nhận thấy là các hoạt động thi đua lao động sản xuất đang diễn ra sôi nổi để chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Tôn. Đến nay, xã thực hiện tốt việc huy động dân xây dựng bê-tông 2 tuyến đường kênh Ông Cào và tuyến Út Na - Năm Dần; thi công 23 căn nhà ở cho hộ nghèo khu dân cư Mỹ An 1 và tiếp tục triển khai các công trình trọng điểm. Xã vận động nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái. Đẩy mạnh việc nhân rộng diện tích đất sản xuất rau an toàn ở ấp Mỹ An 2, Mỹ Hiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nâng chất Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn hiện có và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để được tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khuyến công, khuyến khích Nhân dân, các nhà đầu tư mở rộng nghề tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển để nâng cao đời sống Nhân dân.
HỮU HUYNH