Cuối tháng 5, lúa xuân sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhìn từng chuyến xe chở những bao lúa căng đầy từ đồng về nhà các bà, các cô cười nói: Làm ruộng giờ nhàn thật. Ngày xưa, mùa về gánh lúa mòn vai…
AA
Nghe các bà, các cô nói vậy, tôi chợt nhớ về hình ảnh vất vả, cực nhọc của mẹ tôi, của thím tôi… gánh lúa trĩu nặng đôi vai trong những ngày hè nắng đổ. Ngày ấy chưa có phương tiện vận chuyển thuận tiện như bây giờ, tất cả, từ chuyển mạ, chuyển phân ra đồng đến chuyển lúa về nhà chủ yếu dựa vào sức người gánh gồng sớm tối. Hình ảnh đôi quang gánh trĩu nặng trên đôi vai tảo tần, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ nông thôn là hình ảnh gần gũi, thân quen ở mỗi làng quê, trong mỗi gia đình.
Hình minh họa.
Quang gánh được làm bằng tre, nơi làm bằng mây, bằng thừng, bằng thép. Đòn gánh là đoạn tre già đã qua ngâm nước, được dóc nhẵn lỳ, thon dần về hai đầu, vừa chắc lại dẻo bền, có mấu chốt ở cuối. Ngày nhỏ, hay nghịch ngợm, thấy mẹ sắp quang gánh chuẩn bị ra đồng tôi ghé vai vào gánh thử. Chưa có đặt gì bên trong, đôi quang gánh nhẹ tênh trên vai. Trưa về, gương mặt đẫm mồ hôi, đặt đôi quanh gánh chất chặt đầy những bó lúa chín vàng xuống sân mẹ vào nhà uống vội ngụm nước nguội cho đỡ khát. Lúa chưa dỡ, tôi lại ghé vai vào gánh thử, quang gánh nặng trĩu vai, dù cố hết sức tôi vẫn không thể nhấc lên được. Từ lúc ấy, tôi mới thật sự thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của mẹ, của thím, của những người phụ nữ nông thôn lam làm cả đời lặng thầm gánh bao nhọc nhằn, vất vả trên những đôi vai gầy guộc.
Đi qua những tháng, năm, theo bước chân của các mẹ, các chị... mùa cấy rồi đến mùa gặt, những đôi quang gánh gánh biết bao khó khăn, cực nhọc; gánh biết bao niềm vui, nỗi buồn; gánh cả những chờ mong và hy vọng… Quên sao được hình ảnh khi hoàng hôn xuống, dáng mẹ tảo tần gánh cỏ vội vã đi về trên những triền đê lộng gió. Quên sao được những buổi bà và mẹ trở về mỗi lần đi chợ xa, đôi quang gánh gánh biết bao niềm vui thơ trẻ. Khi thì đồng bánh đa, lúc đon mía đỏ, hôm cái bánh, củ khoai… quà cho trẻ nhỏ, quà cho người già, thực phẩm cho gia đình… tất cả đều được đặt trên đôi quang gánh thân thuộc. Giờ trưởng thành rồi nhưng mỗi lần nghĩ lại, nhớ lại vẫn thấy cảm động và thương yêu!
Gắn bó chặt chẽ với hình ảnh tảo tần, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ nông thôn, đôi quang gánh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, trong lao động sản xuất ở các làng quê thuở trước. Dù nắng đổ lửa, mưa giông hay mưa phùn gió bấc ngày ngày, tháng tháng, các bà, các mẹ, các chị vẫn âm thầm, lặng lẽ gánh gồng lo tròn mọi việc để vun đắp hạnh phúc gia đình, chắp cánh cho biết bao ước mơ, hoài bão bay cao, vươn xa trong cuộc sống mới.
Giờ không còn cảnh vất vả gánh gồng nơi đồng quê, nơi làng quê mỗi khi vào vụ, nhưng hình ảnh đôi quang gánh gắn với hình ảnh tảo tần của bà, của mẹ, của những phụ nữ nông thôn mãi là hình ảnh đậm sâu, xúc động, yêu thương… trong ký ức mỗi người khi nhớ về cuộc sống ở làng quê thuở trước.
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: