Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, trong đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định mạnh mẽ phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho những giải pháp cụ thể bảo vệ guồng máy hoạt động của Đảng, Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “6 dám”; đồng thời khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết định. Thực tế thời gian qua, đây là nguyên nhân gây ách tắc, chậm trễ trong thực thi công vụ ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với những mức độ khác nhau, làm cản trở quá trình phát triển.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ khi thành lập ban chỉ đạo luôn nhất quán quan điểm kết hợp giữa “xây” và “chống”, xác định xây là cơ bản, lâu dài; chống là khẩn trương, cấp bách. Đảng ta tiếp tục coi trọng và đề cao “tính tự giác” của người cán bộ, đảng viên, xem đây là động lực tinh thần thiêng liêng, cái “cốt lõi, nền tảng” để người cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
Song, trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn mới, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, trong khi còn những hệ lụy phức tạp của nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, đã nảy sinh mặt trái với nhiều biểu hiện tiêu cực trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội… Sa vào tham nhũng, tiêu cực, người cán bộ, đảng viên không còn trung thực với Đảng, tính tự giác và tư cách trong sáng không còn nữa. Trong khi sự kiểm soát và giám sát của tổ chức đảng đối với cán bộ, đảng viên chưa thật sự phát huy hiệu quả; cơ chế, luật pháp chưa phát huy đầy đủ tác dụng cho nên vẫn có lỗ hổng để cán bộ suy thoái lợi dụng, trục lợi cá nhân.
Nhằm khắc phục tình trạng vi phạm, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực để những người có biểu hiện suy thoái không thể và không dám tham nhũng, Đảng và Nhà nước nỗ lực hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức, có quyền, khắc phục bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách… góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dẫn đến lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Đây là một tiến trình khó khăn, phức tạp và lâu dài, phải có thời gian, nhưng nhất định phải vượt qua để luật pháp được hoàn thiện. Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua đó mới có thể kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa “pháp trị” và “đức trị”, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch, vững mạnh, guồng máy của Đảng và Nhà nước hoạt động hiệu quả trên mọi lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội.
Với thái độ khách quan và bình tĩnh, thiện chí và xây dựng, nhiều cán bộ, đảng viên đã bày tỏ thái độ hết sức chân thành và tâm huyết: Nếu Trung ương không kiên quyết, không quyết liệt như vừa qua và hiện nay, thì sự tồn vong của Đảng và chế độ sẽ không biết như thế nào? Từ thực tiễn đó, cần khẳng định, phải tiếp tục đẩy mạnh, giữ vững những thành quả đã đạt được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như hiện nay.