Đây là một trong những bước chuẩn bị của các trường trong việc giúp học sinh làm quen hình thức thi trên máy tính, dự kiến sẽ triển khai tại kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2021.
Nhanh, gọn và chính xác
Sáng 15-10, 560 học sinh khối 12, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) tham gia kỳ thi kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Toán bằng hình thức làm bài trực tiếp trên máy tính hoặc điện thoại di động.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học 2018-2019, lần đầu tiên trường tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính với môn Toán. Năm nay, trường tiếp tục mở rộng thêm 2 môn thi là Vật lý và Hóa học.
Đánh giá về hình thức thi mới này, ông Huỳnh Thanh Phú bày tỏ: “Tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc điện thoại di động vừa phát huy tính khách quan, minh bạch của kỳ thi vừa giảm công sức lao động của giáo viên, rút ngắn thời gian chấm bài và công bố kết quả đến học sinh; ngoài ra cũng tiết kiệm giấy thi, chi phí in ấn đề thi của đơn vị”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) tham gia bài thi trực tuyến giữa kỳ môn Toán
Trước đó, tại Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), học sinh khối 12 lần đầu tiên thực hiện bài thi kiểm tra giữa học kỳ 1 hai môn Toán và tiếng Anh trên các thiết bị công nghệ.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, mỗi môn thi đều có thời gian làm bài 45 phút, thi theo hình thức trực tuyến. Để chuẩn bị cho việc đổi mới này, từ năm học trước, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên.
Điểm số mỗi bài làm của học sinh sẽ được công bố ngay khi các em bấm nút nộp bài. Kết quả này sẽ được chuyển thẳng đến phần mềm quản lý của ban giám hiệu.
Ngoài ra, sau khi bài thi của môn cuối cùng kết thúc, đáp án toàn bộ các môn thi sẽ được công bố trên ứng dụng điện thoại di động hoặc chuyển cho giáo viên bộ môn để cung cấp đến học sinh.
Ghi nhận sau khi kết thúc giờ làm bài môn thi đầu tiên tại lớp 12A7, Trường THPT Trần Hữu Trang, cho thấy hầu hết học sinh đều có tâm trạng thoải mái do không mất thời gian chép lại đề thi trên giấy, thi xong biết kết quả ngay.
Tuy nhiên, cũng có một số bất lợi so với hình thức thi trên giấy, thông thường là thao tác phải nhanh và chính xác vì chỉ một cú click chuột hoặc chạm tay sai vị trí trên màn hình cảm ứng điện thoại là có thể đưa ra đáp án sai; học thuộc kiến thức các môn học thôi chưa đủ, mà phải biết vận dụng thêm một số kỹ năng tin học cơ bản...
Ngoài hai đơn vị kể trên, một số trường khác như THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), THPT Lê Quý Đôn (quận 3), năm học này cũng tổ chức thí điểm hình thức thi trực tuyến cho học sinh khối 12. Thực tế cho thấy, hầu hết học sinh cấp 3 đều sử dụng ít nhất một thiết bị công nghệ như điện thoại di động, laptop, ipad…
Do đó, việc biến những thiết bị công nghệ sẵn có này thành phương tiện học tập hữu ích, phục vụ cho mục tiêu đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh là bước đi phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập.
Đầu tư thêm hạ tầng công nghệ
Mặc dù có nhiều ưu điểm hơn so với hình thức thi trên giấy nhưng tại buổi thi sáng qua (15-10), khi 2 trường THPT tổ chức cho học sinh tham gia thi trực tuyến vào cùng thời điểm đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng do khối lượng truy cập quá lớn.
Lãnh đạo một trường THPT thông tin, hiện nay, phần mềm có thể chạy tốt với số lượng từ 500 - 600 lượt người truy cập cùng thời điểm. Còn khi 2 - 3 trường tổ chức cho học sinh thi vào cùng khung giờ sẽ khiến hệ thống quá tải về mặt kỹ thuật.
Từ thực tế đó, các trường đưa ra 2 phương án là bố trí giờ thi lệch ca giữa các đơn vị để không xảy ra tình trạng quá tải. Song song đó, đơn vị cung cấp phần mềm cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp dung lượng phần mềm để có thể triển khai đồng thời ở nhiều đơn vị trường học.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết thi trên máy tính phải tuân thủ nguyên tắc không “gây sốc” cho thí sinh. Những nơi nào thuận lợi sẽ triển khai trước, chỗ nào chưa đủ điều kiện thì tiếp tục duy trì hình thức thi trên giấy theo nguyên tắc giảm dần số lượng, hướng đến mục tiêu mở rộng hình thức thi trên máy tính, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.
Ở góc độ khác, giáo viên phụ trách công nghệ thông tin một trường THPT cho rằng, tổ chức thi trực tuyến đòi hỏi các trường phải có hạ tầng cơ sở đủ mạnh như phòng vi tính, máy tính kết nối wifi, đường truyền Internet tốc độ cao, hệ thống điện ổn định để không làm ảnh hưởng quá trình làm bài của học sinh.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận, để nhân rộng hình thức thi trực tuyến, đòi hỏi cơ quan quản lý phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi đủ mạnh; ban hành hệ thống quy chế, hướng dẫn công tác coi thi, chấm thi.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ coi thi cũng như chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho học sinh đòi hỏi phải có kế hoạch, lộ trình triển khai đầy đủ, không thể nóng vội triển khai trong một sáng, một chiều.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu triển khai tích hợp bài thi trực tuyến với kho học liệu mở, kết hợp thêm một số công cụ điện tử nhằm tiết kiệm thời gian tìm kiếm và lưu trữ bài dạy cho giáo viên; qua đó phát huy tính chủ động, sáng tạo cho cả người học lẫn người dạy.
Theo SGGP