Đông đảo người dân Nhật Bản tới viếng cố Thủ tướng Abe Shinzo

27/09/2022 - 14:13

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 27/9, đông đảo người dân Nhật Bản đã tới đặt hoa viếng cố Thủ tướng Shinzo Abe ở 2 hương án mà Chính phủ Nhật Bản đã bố trí tại công viên Kudanzaka, bên ngoài Nippon Budokan (Võ Đạo quán Nhật Bản) - nơi sẽ diễn ra lễ Quốc tang.

Hương án của cố Thủ tướng Abe đặt tại công viên Kudanzaka. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người, trong đó có cả những người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, đã xếp hàng trước công viên Kudanzaka để đặt hoa tưởng niệm. Đoàn người kiên nhẫn chờ đợi để được vào dâng hoa và thể hiện tình cảm sâu sắc với nhà lãnh đạo này.

Trả lời phỏng vấn TTXVN nhân dịp này, không ít người đã bày tỏ nỗi buồn cũng như sự tiếc nuối trước sự ra đi của cố Thủ tướng Abe. Họ đều đánh giá rất cao những đóng góp của ông cho đất nước cũng như cho tình hữu nghị giữa Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.

Người dân Nhật Bản bày tỏ lòng thành kính trước di ảnh của cố Thủ tướng Abe. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN.

Ông Miu, một người tới viếng từ rất sớm, chia sẻ: "Tôi thực sự bất ngờ trước sự ra đi đột ngột của ông ấy". Theo ông Miu, cố Thủ tướng Abe là người đã tích cực vận động để Nhật Bản giành quyền đăng cai Olympic và Paralympic mùa Hè 2020. Về kinh tế, ông Abe đã thành công trong việc vực dậy nền kinh tế và giúp thị trường chứng khoán thăng hoa. Về đối ngoại, cố Thủ tướng Abe đã để lại dấu ấn về chính sách ngoại giao tích cực, duy trì được quan hệ tốt với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực.

Cùng chung quan điểm trên, ông Ooi, một người đến từ quận Setagaya, ở thủ đô Tokyo nhấn mạnh: “Trước khi ông Abe được bầu làm thủ tướng, nền kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng trì trệ. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, ông Abe đã điều hành tốt nền kinh tế Nhật Bản, đưa giá cổ phiếu tăng gấp 3, 4 lần”. Bên cạnh đó, cố Thủ tướng Abe đã có những đóng góp cho hòa bình của khu vực châu Á–Thái Bình Dương khi xây dựng được quan hệ hữu hảo và coi trọng các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Cố Thủ tướng Abe đã khởi xướng sáng kiến “Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và sau đó cùng với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy sáng kiến này trên thế giới.

Người dân Nhật Bản xếp hàng chờ vào viếng cố Thủ tướng Abe. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN.

Theo kế hoạch, thời gian dành cho người dân tới đặt hoa viếng cố Thủ tướng Abe ở các hương án tại công viên Kudanzaka sẽ kết thúc vào 16h cùng ngày. Trong khi đó, lễ Quốc tang sẽ được tổ chức vào lúc 14h tại Nippon Budokan. Chính phủ Nhật Bản ước tính có khoảng 4.300 quan khách trong và ngoài nước sẽ tới dự tang lễ. Trong số này có khoảng 3.600 quan khách trong nước, hơn 700 nghị sĩ, nguyên nghị sĩ Quốc hội và 44 thống đốc các tỉnh, thành và khoảng 700 quan khách đến từ 217 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế, trong đó có 35 nguyên thủ/người đứng đầu chính phủ. 

Người dân Nhật Bản mang hoa tới viếng cố Thủ tướng Abe. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN.

Cố Thủ tướng Abe sinh ngày 21/9/1954 tại thủ đô Tokyo trong một gia đình có truyền thống chính trị. Sau khi bước chân vào chính trường Nhật Bản vào năm 1993, ông đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP). Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi ấy, ông mới 52 tuổi và là vị thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông đã phải từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe. 

Tháng 9/2012, ông Abe quay trở lại vị trí người đứng đầu LDP sau cuộc bầu cử chủ tịch đảng này. Vào tháng 12 năm đó, chính trị gia này đã dẫn dắt LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Ngày 26/12/2012, ông Abe đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Đến tháng 8/2020, ông một lần nữa từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe. Cố Thủ tướng Abe là vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục dài nhất Nhật Bản, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng Eisaku Sato. 

Người dân Nhật Bản xếp hàng ở công viên Kudanzaka để chờ vào viếng cố Thủ tướng Abe. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN.

Sau khi rời nhiệm sở, ông Abe vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Ngày 11/11/2021, chính trị gia này đã trở thành nhà lãnh đạo của Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP. Tuy nhiên, hôm 8/7, ông đã bị sát hại khi đang vận động tranh cử cho một ứng cử viên của LDP ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản.

Một hương án của cố Thủ tướng Abe được đặt tại công viên Kudanzaka, bên ngoài Nippon Budokan. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Để ghi nhận các đóng góp của cố Thủ tướng Abe, hôm 11/7, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định truy tặng vòng cổ Huân chương Hoa cúc - danh hiệu cao quý nhất của nước này, cho ông. Đây là vị thủ tướng thứ tư của Nhật Bản nhận danh hiệu cao quý này sau các cựu Thủ tướng Shigeru Yoshida, Eisaku Sato và Yasuhiro Nakasone. Ngày 14/7, Thủ tướng Kishida Fumio thông báo chính phủ sẽ tổ chức Quốc tang cho cố Thủ tướng Abe vào ngày 27/9. 

Theo THANH TÙNG - ĐỨC THỊNH (TTXVN)