Đóng góp dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

22/04/2025 - 06:49

 - Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 8 chương, 61 điều (giảm 1 chương và 33 điều so dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 8). Nội dung dự thảo có nhiều thay đổi lớn, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm, đăng ký lao động, phát triển kỹ năng nghề; quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)…

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bảo đảm quyền làm việc, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; thể chế các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển thị trường lao động, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ); quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách về BHTN và các văn kiện, nghị quyết liên quan. 

Đồng thời kế thừa, phát triển quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung quy định mới phù hợp với thực trạng thị trường lao động, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi NLĐ, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng chính sách, chế độ.

Qua 12 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo NLĐ và người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế, như: Đối tượng tham gia BHTN theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng BHTN không còn phù hợp; quy định, chính sách về BHTN chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác (Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến động, BHTN trở thành một chính sách quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của NLĐ, góp phần ổn định thị trường lao động và xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi chính sách BHTN  liên tục được cập nhật và hoàn thiện. Việc sửa đổi Luật Việc làm cần đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường lao động trong nước và ở cả nước ngoài đảm bảo linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập, bám sát Điều này được ghi nhận trong Nghị quyết 42/NQ-TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Văng Anh Trung (Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh) đề xuất bổ sung Điểm đ, Khoản 3, Điều 60: "NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng, nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được nhận trợ cấp một lần tương ứng với thời gian đã đóng vượt mức quy định”. Lý do, đây là quyền lợi chính đáng của NLĐ và nguyên tắc mức hưởng BHTN được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHTN. Ví dụ, nhiều lao động đã đóng BHTN liên tục hơn 12 năm nhưng chưa hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Ông đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của NLĐ liên quan đến việc được hưởng, không được hưởng và phải hoàn trả chế độ đã hưởng sai quy định; đề xuất bổ sung Điều 7: "NLĐ có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực khi đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp phát hiện hưởng sai quy định, NLĐ phải hoàn trả đầy đủ số tiền đã hưởng cùng với lãi suất theo quy định”. Quy định này làm cơ sở pháp lý để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện tiếp theo.

"Điều 4 (chính sách của Nhà nước về việc làm), Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy, sáp nhập địa giới hành chính. Luật ban hành phải có tính ổn định, bao quát, toàn diện vấn đề có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 4, nội dung này chỉ phù hợp trong hoàn cảnh nhất thời hiện nay. Ngoài ra, một số từ ngữ, thuật ngữ cần điều chỉnh lại cụm từ cho dễ hiểu hơn" - ông Phan Thanh Dũng (Phó Giám đốc Sở Tư pháp) nêu ý kiến. 

Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) có ý kiến đối với tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Điều 8). Nhằm tạo thuận lợi cho việc tăng cường huy động nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, dự thảo luật chỉnh lý quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo hướng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (Điểm c, Khoản 2, Điều 8). Đồng thời, bổ sung quy định HĐND bố trí vốn ngân sách của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, giao UBND cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm (Khoản 3 Điều 8). Về BHTN (chương VII) cần nghiên cứu quy định về BHTN trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), tránh trùng lặp với Luật Bảo hiểm xã hội và chỉ nên đưa nội dung nào có tác động tạo việc làm cho NLĐ. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện BHTN tác động như thế nào đến thị trường việc làm để có quy định phù hợp, khả thi.

 K.N