Đồng hành cùng nông dân

19/12/2022 - 05:21

 - Với mục tiêu chia sẻ thông tin, tư vấn kỹ thuật sử dụng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, giới thiệu phương pháp sử dụng phân bón hiệu quả cho từng loại cây trồng, Chương trình “Bác sĩ nông học” góp phần đồng hành cùng nông dân nâng cao giá trị nông sản và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Chương trình “Bác sĩ nông học” cập nhật kiến thức bổ ích cho nông dân

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Khó khăn sau đại dịch COVID-19, nông nghiệp vẫn khẳng định được vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp được mùa, đời sống người dân cải thiện và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năm 2021, nông nghiệp Việt Nam đạt “mục tiêu kép” vừa phát triển, vừa phòng, chống dịch bệnh. Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,9%”.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL với nguồn nước ngọt dồi dào, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Sản lượng lúa của An Giang trên 4 triệu tấn/năm, đứng hàng đầu cả nước. Hiện tại, sản phẩm gạo An Giang đã có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Do đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi chương trình “Bác sĩ nông học” năm 2022, nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu trong quá trình canh tác phòng trừ dịch hại, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân. Qua đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tư vấn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với từng địa phương.

 Bên cạnh đó, chương trình là kênh liên kết hiệu quả giữa nông dân với các nhà khoa học, doanh nghiệp để giao lưu, trao đổi thông tin, trang bị thêm kiến thức khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thông qua chương trình, nông dân tiếp cận trực tiếp với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt, bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng, chăn nuôi, thú y; được tư vấn, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc gặp phải trong thực tế, ứng dụng vào quá trình sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường cho biết: “Những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của sở, ngành và các địa phương, nông dân cơ bản vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Hội Nông dân tỉnh cùng ngành nông nghiệp tích cực đồng hành cùng nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển mô hình “Cánh đồng lớn” và triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới ngày càng hiệu quả”.

Ông Lê Hùng Cường cũng cho hay, bên cạnh thuận lợi thì nông dân đối mặt với nhiều khó khăn, như: Năng suất ngành trồng trọt giảm so với cùng kỳ; giá bán nông sản tuy có tăng nhưng vẫn chưa ổn định; giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bài toán đầu ra cho nông dân có nhiều trở ngại. Ngoài ra, nông dân An Giang vẫn còn tâm lý ngán ngại áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò kết nối, tiêu thụ nông sản và cung cấp dịch vụ nông nghiệp tốt nhất cho nông dân.

“Chúng tôi mong muốn chương trình “Bác sĩ nông học” góp phần tháo gỡ khó khăn này cho nông dân, giúp ngành nông nghiệp thực hiện tốt Chương trình hành động 06-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình phát triển nông nghiệp của tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” - ông Lê Hùng Cường nhấn mạnh.

Được gặp gỡ các chuyên gia, nhà khoa học trong chương trình “Bác sĩ nông học” tổ chức tại huyện Châu Phú, ông Lê Văn Công (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây) rất quan tâm đến việc phát triển các loại cây ăn trái có tiềm năng trên vùng đất quê mình. Ông dự định chuyển đổi sang trồng vườn, nên cố gắng nắm bắt thông tin về tính thích nghi, quy trình xử lý đất phù hợp để phát triển cây sầu riêng, cây bưởi.

“Thông qua chương trình này, việc liên kết giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp kỳ vọng ngày càng chặt chẽ, thiết thực hơn. Qua đó, giúp nông dân được hưởng lợi nhiều hơn từ sự hỗ trợ của nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, có thể hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê mình” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường kỳ vọng.

THANH TIẾN