Tiềm năng dồi dào
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, tổng diện tích xuống giống cây lúa khoảng 618.600ha, sản lượng gần 4,072 triệu tấn. Bên cạnh, tổng diện tích hoa màu, cây ăn trái lần lượt là 48.800ha và 20.500ha; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 700.000 tấn, trong đó, cá tra khoảng 583.000 tấn.
Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ cấp 564 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 19.766ha, phục vụ nhu cầu xuất khẩu đi các thị trường: Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Nga, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài ra, cấp 1 mã số cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh.
Theo Công ty Antesco, đơn vị đã liên kết Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nông dân tỉnh ký kết hợp tác xây dựng, tạo vùng nguyên liệu, với diện tích 10.000ha. Hiện, công ty đã ký kết trực tiếp với nông dân các huyện: Phú Tân, Chợ Mới, An Phú để bao tiêu và xây dựng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực, như: Bắp non, đậu nành rau, bắp ngọt, xoài keo, xoài Đài Loan. Nhờ đó, công ty có vùng nguyên liệu ổn định, có thể kiểm soát tốt về số lượng, chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.
.jpg)
Cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu
Cùng thuận lợi trên, Nhà máy Gạo Hạnh Phúc (Tập đoàn Tân Long), với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, ngành chuyên môn và các địa phương đã liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa chất lượng cao với 15 hợp tác xã trong tỉnh, chủ yếu ở các huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân. Theo kế hoạch, công ty sẽ liên kết sản xuất với diện tích trên 10.000ha trong năm 2025, góp phần đưa hạt gạo An Giang chinh phục các thị trường khó tính.
Ngoài các đơn vị nói trên, ngành nông nghiệp An Giang còn thực hiện hỗ trợ nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh. Chỉ riêng lúa gạo, diện tích liên kết năm 2024 đã đạt khoảng 74.623ha, chiếm 12,1% tổng diện tích gieo trồng. Đặc biệt, An Giang còn có 2 sản phẩm gạo đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 5 sao cấp quốc gia; 1 sản phẩm gạo, 2 sản phẩm rượu gạo và 1 sản phẩm thanh gạo lứt ngũ cốc đạt OCOP 3 sao.
Tăng cường giải pháp
Dù đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh, nhưng ngành nông nghiệp An Giang vẫn đối mặt với khó khăn, như: Cơ chế, chính sách thu hút, mời gọi DN chưa thực sự hấp dẫn; năng lực của các hợp tác xã còn hạn chế, khó khăn cho việc hình thành các chuỗi liên kết; hệ thống logistics trong nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngành nông nghiệp An Giang hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho nông sản phục vụ xuất khẩu
DN đề xuất các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức nông dân trong việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhằm tạo được vùng nguyên liệu lớn. Việc giữ “chữ tín” trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, công tác xây dựng mã số vùng trồng chưa được hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho quá trình xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp An Giang đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút, thúc đẩy các DN đầu tư tại địa phương. Phát triển các khu công nghiệp dành riêng cho chế biến nông sản, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với DN, nông dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh nhằm thu hút DN đến An Giang.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Thường xuyên phối hợp với các địa phương hỗ trợ, kết nối với DN để xây dựng các vùng nguyên liệu lớn theo nhu cầu DN. Tích cực xây dựng mã số vùng trồng để thực hiện truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và DN trong quá trình tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu.
Với các sở, ngành, UBND tỉnh yêu cầu kịp thời thông tin đến các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về các chính sách thu hút đầu tư, chính sách tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực cho quá trình liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh…
THANH TIẾN