Động lực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại An Giang

10/04/2025 - 07:18

 - Thông qua Ngày hội thu hoạch lúa tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án) tại huyện Châu Phú, ngành nông nghiệp An Giang đã tạo động lực để nông dân tham gia tích cực hơn vào Đề án, nhằm gia tăng lợi nhuận, hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, bền vững.

Ngày hội thu hoạch lúa đã diễn ra tại ruộng của nông dân Lý Quang Nghị (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú), trên diện tích 3ha. Với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh, huyện Châu Phú và đông đảo nông dân, đã khẳng định tầm quan trọng của sự kiện đặc biệt này. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Minh Nhựt cho biết: “Ngày hội thu hoạch lúa hôm nay sẽ tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của người trồng lúa trên toàn tỉnh về lợi ích của việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đồng thời, góp phần tổ chức lại sản xuất nhằm phát triển bền vững chuỗi liên kết lúa gạo, cũng như nâng cao năng lực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu của Đề án trong năm 2025 và những năm tới”.

Theo ông Trần Minh Nhựt, năm 2025, diện tích đăng ký tham gia Đề án tại An Giang là 44.051ha, có thể đáp ứng nhu cầu về xây dựng vùng nguyên liệu lớn với sản lượng, chất lượng được nâng lên. Đây cũng là thuận lợi để doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, liên kết và tiêu thụ lúa gạo trong thời điểm thị trường đòi hỏi nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Để hoàn thành mục tiêu đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương theo nhiệm vụ được phân công cụ thể. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường với vai trò là đơn vị đầu mối sẽ tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện Đề án trên toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tham gia Ngày hội thu hoạch lúa cùng nông dân

Trực tiếp đến với Ngày hội thu hoạch lúa, anh Phạm Văn Lộc (nông dân xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) chia sẻ: “Với thời gian gắn bó trên đồng ruộng, tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát đến việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến. Những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của ngành nông nghiệp, chúng tôi đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất lúa, với những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã cho thấy hiệu quả tích cực, thông qua mô hình của ông Lý Quang Nghị hôm nay. Thực tế, tôi đã áp dụng các phương pháp sản xuất lúa tiến bộ như “3 giảm, 3 tăng”, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh, ứng dụng máy sạ cụm kết hợp với bón vùi phân… Tất cả đều khẳng định hiệu quả thực tế”.

Anh Lộc cũng cho hay, để nông dân tích cực hơn nữa trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành, đặc biệt là sự tham gia của các DN trong liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra ổn định. Khi đó, nông dân sẽ an tâm sản xuất, nhằm đạt mục tiêu “kép” là tăng thu nhập và góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Tham gia Ngày hội thu hoạch lúa cùng nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong việc tuyên truyền, khuyến khích nông dân, hợp tác xã, DN tích cực tham gia Đề án tích cực hơn nữa. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, vận động ngày càng nhiều nông dân tham gia vào Đề án. Trong đó, chú trọng vận động nông dân giảm phát thải trong sản xuất lúa thông qua việc không đốt rơm rạ tại ruộng, song song với nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Cùng với đó, đề nghị các sở, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể gắn với kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án. Tăng cường phối hợp với DN, hợp tác xã, nông dân trong thực hiện Đề án. Tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ tăng cường thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững. Thực hiện các hoạt động tập huấn, xây dựng các mô hình áp dụng triệt để quy trình sản xuất của Đề án để làm tiền đề thúc đẩy, nhân rộng diện tích tham gia theo kế hoạch. Cùng với đó, rà soát, đề xuất để tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết DN theo chuỗi giá trị nhằm tiếp cận chính sách của Chính phủ, của tỉnh… hướng đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án trong năm 2025 và những năm tới” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Minh Nhựt xác định.

Mô hình của nông dân Lý Quang Nghị thực hiện đúng theo quy trình canh tác lúa của Đề án, gồm: Giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước... Đồng thời, ứng dụng máy sạ cụm kết hợp vùi phân, sử dụng bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của Công ty TNHH Bayer Việt Nam và phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, nguồn giống lúa của Công ty Vinarice. Kết quả, năng suất từ ruộng mô hình đạt 8,25 tấn/ha, lợi nhuận mang lại cao hơn 11,28 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

THANH TIẾN