Động lực thi đua từ phong trào xây dựng danh hiệu văn hóa

09/07/2020 - 08:05

 - Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn văn hóa là một trong những phong trào thi đua thiết thực, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiệu ứng từ phong trào đã thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, DN thi đua lao động sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, xây dựng cuộc sống văn minh lành mạnh, đời sống văn hóa tinh thần phong phú.

UBND tỉnh An Giang khen thưởng cho các đơn vị đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", giai đoạn 2015-2019

Những cách làm hay

Xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu) là một trong những địa phương tiêu biểu thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa, nổi bật là hoạt động của điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao. Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh Nguyễn Minh Tài cho biết, từ nguồn ngân sách đầu tư và xã hội hóa xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng thì các thiết chế văn hóa trên địa bàn cũng được sửa chữa, nâng cấp. Từ khi có điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao xã, địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu đờn ca tài tử, sự kiện văn hóa, lớp dạy nghề ngắn hạn, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật. Ngoài điểm chính, xã còn có 4 ấp đều duy trì điểm sinh hoạt thể thao. Người dân mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, hình thành môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh.

Sau 5 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Thoại Sơn đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện có 3 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 11 xã đạt chuẩn “Xã văn hóa NTM”, 100% ấp đạt chuẩn “Ấp văn hóa” và 100% cơ quan, ban, ngành huyện và xã đạt “Cơ quan văn hóa”. Nhiều mô hình hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng đều khắp ở các xã, thị trấn, như: “Mỗi nhà làm hàng rào cây xanh”, “Ấp tự bảo vệ môi trường”, mô hình vươn lên thoát nghèo, gia đình hiếu học, “Bếp ăn 0 đồng”, “Cửa hàng quần áo 0 đồng”… Từng mô hình được đúc kết kinh nghiệm, cách làm hàng năm, đánh giá hiệu quả để đơn vị học hỏi lẫn nhau, áp dụng theo tình hình thực tế của địa phương. Từ thành quả này, cán bộ và nhân dân huyện phấn đấu sẽ hoàn thành phong trào xây dựng xã “Văn hóa NTM” và “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” trong năm 2020.

Kinh nghiệm của TP. Châu Đốc thực hiện các tiêu chí văn hóa là nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và ban chỉ đạo các cấp, đồng thời phát huy vai trò vận động của các tổ chức quần chúng. Nội dung xây dựng danh hiệu văn hóa được thực hiện lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua hiện có trong xã hội, còn ban chỉ đạo các cấp tăng cường đôn đốc, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, bổ sung những vấn đề cần thiết, thích hợp nhằm đảm bảo nội dung, tránh sự chồng chéo thiếu đồng bộ. Đến nay, thành phố đã công nhận 16 tuyến phố đạt chuẩn, với hệ thống chiếu sáng đô thị, hệ thống thoát nước thải, nước sạch sinh hoạt đạt chuẩn, góp phần bổ trợ cho việc thực hiện phường văn minh đô thị đạt kết quả thiết thực.

Phong trào đi vào chiều sâu

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, tác động tích cực từ phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn danh hiệu văn hóa là cán bộ, công chức, viên chức đã nâng lên ý thức chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Trong DN, phong trào góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Một số cơ quan, đơn vị, DN còn triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử, giao tiếp với người dân, với khách hàng ngày càng lịch sự, nhã nhặn hơn. Đặc biệt, trong thi đua còn hưởng ứng việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, các cơ quan, đơn vị, DN cụ thể hóa tiêu chí xây dựng danh hiệu thành các phong trào cụ thể, như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng, hợp lý hóa sản xuất, thực hành tiết kiệm... Phong trào thi đua cải cách hành chính ở một số sở, ngành tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng nhanh gọn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân. Trong khi đó, nội dung thi đua “Xây dựng NTM” và thi đua “DN An Giang hội nhập và phát triển bền vững”… được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng bằng nhiều mô hình thiết thực.

Năm qua, toàn tỉnh có 856 công trình sản phẩm, phần việc hoàn thành, giá trị làm lợi hàng năm trên 73 tỷ đồng. Có 50 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi trên 20 tỷ đồng và 1.670 sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật mang lại giá trị làm lợi trên 2 tỷ đồng. Năm 2019, thông qua công tác phúc tra, xét hồ sơ, ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận 39 cơ quan, 62 đơn vị, 63 DN đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 95,34% so tổng số cơ quan, đơn vị, DN chấm điểm, thuyết minh. Đặc biệt, ban chỉ đạo còn đề nghị UBND tỉnh công nhận 32 cơ quan, 41 đơn vị, 52 DN đạt chuẩn văn hóa 5 năm liền (2015-2019).

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích