Nhà cửa trên đảo Hawaii bị dòng nham thạch núi lửa phá hủy ngày 5-6 - Ảnh: Reuters.
Khoảng 600 căn nhà đã bị "nuốt chửng" bởi dòng nham thạch nóng đỏ trào ra từ núi lửa Kilauea trên Đảo Lớn (Big Island) thuộc quần đảo Hawaii từ đầu tháng này. Đây được xem là đợt phun trào gây thiệt hại lớn nhất của núi lửa Kilauea trong thời kỳ hiện đại.
Hãng tin Reuters cho biết, Kilauea là một trong những ngọn núi lửa hoạt động nhiều nhất thế giới. Thiệt hại về nhà cửa mà ngọn núi lửa này gây ra trong đợt phun trào hiện nay vượt xa con số 215 ngôi nhà bị phá hủy trong chu kỳ hoạt động trước đó của ngọn núi lửa này bắt đầu từ năm 1983 và kéo dài gần 3 thập kỷ sau đó.
Thị trưởng hạt Hawaii, ông Harry Kim, nói rằng chưa khi nào nham thạch từ núi lửa Kilauea lại gây thiệt hại lớn về nhà cửa đến như vậy chỉ trong một thời gian ngắn như thế.
Tính đến ngày thứ Năm, đợt hoạt động này của núi lửa Kilauea đã bước sang ngày thứ 36, đánh dấu đợt hoạt động gây thiệt hại lớn nhất của núi lửa ở Mỹ kể từ năm 1980. Vào năm 1980, núi lửa St. Helens ở bang Washington phun trào đã khiến diện tích hàng trăm dặm vuông bị san phẳng.
Ước tính có khoảng 2.500 người bị mất nhà trên khắp Big Island kể từ khi đợt núi lửa phun trào này bắt đầu cách đây 5 tuần - Ảnh: Reuters.
Tương tự như Hawaii, quốc gia Trung Mỹ Guatemala cũng đang hứng chịu đợt phun trào mạnh của núi lửa Fuego. Tính đến ngày 7/6, số người thiệt mạng vì núi lửa Fuego phun trào đã vượt con số 100 người, trong khi còn hàng trăm người nữa mất tích.
Nhà chức trách Hawaii đã tuyên bố thành lập một nhóm công tác gồm các quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương để vạch kế hoạch tái thiết cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi đợt phun trào này của núi lửa Kilauea.
Chỉ riêng trong vòng 3 ngày trở lại đây, dòng nham thạch nóng đỏ có bề rộng khoảng nửa dặm và bề dài 10-15 feet đã chôn vùi hàng trăm ngôi nhà và làm cạn khô một hồ nước ngọt nhỏ.
Ước tính có khoảng 2.500 người bị mất nhà trên khắp Big Island kể từ khi đợt núi lửa phun trào này bắt đầu cách đây 5 tuần. Không chỉ phá hủy nhà cửa, núi lửa hoạt động còn gây mật độ khí độc sulfur dioxide ở mức cao trong bầu không khí Hawaii.
Ngoài ra, dòng sông nham thạch cũng cắt đứt các đường dây điện và điện thoại, gây mất điện và mất liên lạc trên diện rộng. Nhà chức trách Hawaii cũng phải đóng cửa một nhà máy điện địa nhiệt vốn là nguồn cung cấp 1/4 lượng điện tiêu thụ trên Big Island.
Theo Vneconomy