Đột phá trong nghiên cứu điều trị hen suyễn thể nặng

27/02/2024 - 08:42

Các nhà nghiên cứu Australia vừa thông báo đã tạo đột phá mới trong điều trị hen suyễn thể nặng.

Chú thích ảnh

Hen suyễn là bệnh lý viêm mãn tính đường hô hấp thường gặp nhất. Ảnh minh họa: nypost.com

Trong nghiên cứu mới công bố ngày 26/2, các nhà khoa học đã phát hiện ra các cytokine beta phổ biến - một nhóm phân tử gây viêm - có thể kiểm soát tình trạng viêm và sẹo đường thở ở các ca hen suyễn nặng và kháng steroid. Các chuyên gia do các nhà khoa học từ Đại học South Australia (UniSA) đứng đầu tin rằng tin rằng loại kháng thể trị liệu ở người có tên là trabikihart có thể là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng viêm và sẹo một cách hiệu quả.

Đồng tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Damon Tumes, lãnh đạo Phòng Thí nghiệm dị ứng và miễn dịch ung thư ở UniSA, đánh giá các biện pháp chữa trị hiện nay vẫn còn hạn chế do chỉ nhắm tới những phân tử đơn lẻ khi có nhiều tế bào và con đường gây ra bệnh hen suyễn.

Theo chuyên gia Tumes, viêm và tổn thương mô trong bệnh lý hen suyễn nặng do một số loại tế bào miễn dịch gây ra sau khi xâm nhập vào phổi do các chất gây dị ứng, virus và các vi khuẩn khác tương tác với đường thở. Ở một số trường hợp, triệu chứng viêm là do kháng steroid - phương pháp điều trị kiểm soát hen suyễn đầu tiên. Việc dùng 1 loại thuốc duy nhất nhắm tới các cytokine gây viêm có thể là chìa khóa điều trị và kiểm soát các bệnh mãn tính đường thở nghiêm trọng và phức tạp.

Hen suyễn là căn bệnh phổi mãn tính. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính căn bệnh này ảnh hưởng tới 262 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2019. Theo số liệu được Hội đồng Hen suyễn quốc gia Australia công bố tháng 11/2023, hen suyễn là nguyên nhân dẫn tới 467 ca tử vong ở Australia năm 2022, tăng so với mức 355 ca năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2017.

Theo TTXVN