Du khách đội mưa khai hội chùa Hương

15/02/2024 - 14:35

Sáng 15/2 (mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 đã trang trọng khai mạc.

Dù trời có mưa nhỏ, lượng du khách tới lễ khai hội chùa Hương vẫn khá đông. Lễ khai mạc hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 được mở đầu với màn biểu diễn của các đội rồng và đội trống xã Hương Sơn.

Chú thích ảnh

Màn biểu diễn trống khai hội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương chia sẻ: "Như chúng ta đều biết, hành hương trẩy hội mùa xuân là nét đẹp của dân tộc Việt Nam vẫn có tự ngàn xưa. Nét đẹp đó mãi mãi trường tổn trong thời gian vô cùng và không gian vô tận.

Trong lễ hội con người có dịp thăng hoa những biểu cảm nội tâm, những phẩm chất tốt đẹp của mình, con người có dịp hoà nhập vào không khí chung lễ hội để tạo thành niềm vui chung của một làng quê, của một vùng trong ngày lễ hội.

Đất trời giao hoà, thảo mộc đâm trồi nảy lộc, núi rừng và con người Hương Sơn lại có duyên lành mở rộng thiện tâm, đón mừng tạo nhân mặc khách, thiện nam, tín nữ, trảy hội du xuân - về chiêm bái Hương Tích cổ động, nơi lưu dấu tích thơm của Đức Phật Bà Quan Âm.

Hương Sơn, nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, đâu đó thấp thoảng những mái ngói đỏ, những kiến trúc cổ kính, xen kẽ ẩn hiện trong núi rừng bao la. Không chỉ có cảnh sắc, nơi đây còn nổi tiếng với những hang động cổ xưa được thiên nhiên tạo hoà gắn liền với những huyền tích được lưu truyền trong dân gian tự bao đời như: động Hương Tích, động Ngọc long, động Người Xưa... Hương Sơn còn là Thánh tích Phật giáo của người con Việt, nơi Bồ tát Quán Thế Âm trác tích tụ hành thành đạo".

Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi chùa Hương, bởi theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho.

Chú thích ảnh

Người dân đội mưa dâng hương.

Ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm là ngày khai hội chùa Hương. Ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.

Năm nay, tiếp tục với chủ đề “Lễ hội Chùa Hương an toàn, văn minh, thân thiện”, Ban tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo phong phú, đa dạng, hấp dẫn, góp phần phát huy giá trị quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt, với những đổi mới như: Lần đầu tiên địa phương thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương, vận chuyển thuyền, đò; sử dụng vé điện tử và xe điện...

Chú thích ảnh

Rất đông du khách đội mưa, chen chân tại sân chùa Thiên Trù.

UBND xã Hương Sơn công khai đường dây "nóng" để tiếp nhận kịp thời phản ánh từ du khách. Ban tổ chức cho biết sẽ liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sử dụng xuồng máy, bán hàng rong, đánh bạc trên thuyền như những năm trước.

Chú thích ảnh

Lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật Phật giáo giới thiệu hình ảnh giá trị về di tích thắng cảnh chùa Hương tại khu nhà triển lãm hữu vu.

Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, tạo điều kiện tốt nhất để khu khách về tham quan, trẩy hội và thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh sơn thủy hữu tình, mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được lưu truyền.

Một số hình ảnh tại Lễ khai hội chùa Hương:

Chú thích ảnh

Từ sáng sớm, dòng người đổ về chùa Thiên Trù, lên động Hương Tích trong ngày chính hội liên tục tăng nhanh.

Chú thích ảnh

Lượng người vào động Hương Tích rất lớn.

Chú thích ảnh

Dù trời mưa nặng hạt, các du khách vẫn liên tục vào, ra.

Chú thích ảnh

Du khách đội mưa đợi đến thời khắc khai hội chùa Hương.

Theo Báo Tin tức