Du lịch ẩm thực

23/09/2024 - 07:00

 - Du lịch (DL) ngày càng được nhiều người ưa chuộng và trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Du khách đi DL không chỉ để thăm thú, nghỉ dưỡng, vui chơi, mà còn để thưởng thức ẩm thực vùng miền, tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống từ chính món ẩm thực.

Nói đến DL miền Tây, người ta thích thú với cảnh sông nước hữu tình, “hương đồng, gió nội”, vườn ruộng yên bình và nhiều địa danh nổi tiếng. Thế nên, miền Tây là lựa chọn của nhiều người trên hành trình DL “chữa lành” sau những ngày bận rộn với công việc. Điểm đặc biệt của ẩm thực là “mùa nào, thức ấy”, nhưng nhắc đến ẩm thực miền Tây chắc chắn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến các món ngon dân dã, bình dị, mang hương vị đặc trưng riêng, vô cùng khác biệt so với các vùng miền khác, chỉ miền sông nước mới có. Các món ăn là sự hòa quyện giữa vị chua, cay, mặn, ngọt, kết hợp từ những tinh túy của nguyên liệu tươi ngon, đậm vị miền Tây Nam Bộ. 

Bây giờ đang vào mùa nước nổi, nên ẩm thực miền Tây rất phong phú, nhất là ở An Giang - tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Nếu như bún cá Châu Đốc, gà đốt Ô Thum, cháo bò Tri Tôn, cơm bò Châu Phong… có thể thưởng thức quanh năm, thì những món ngon về cá linh chỉ có thể thưởng thức ngon nhất trong mùa nước nổi. Đầu mùa lũ là thời điểm cá ngon nhất của năm, bởi cá chưa quá lớn nên xương còn mềm. Cá linh chế biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn, như: Cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm, kho mía, kho lạt, nấu canh chua... Những con cá linh mập ú, bụng đầy mỡ... mang nướng trên bếp than hồng, thịt cá vừa ngọt vừa béo và có hương thơm phức, đặc trưng. Cá linh to có thể dùng làm mắm. Mắm cá linh vùng An Giang, Đồng Tháp vốn rất nổi tiếng…

Các lễ hội, liên hoan ẩm thực thu hút đông người dân, du khách

Mùa nước nổi còn ban tặng cho miền Tây nhiều sản vật để chế biến thành nhiều món ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn du khách, như: Lẩu lươn, lươn đồng nướng muối ớt, ốc đồng nướng tiêu xanh, chuột đồng quay lu, lẩu cua đồng… Ai đến miền Tây vào mùa nước nổi sẽ cảm nhận được hương vị tinh túy từ những món ăn mang đậm chất “hương đồng, cỏ nội” này. Món ăn sẽ giúp du khách cảm nhận trọn vẹn hương vị tinh túy của những đặc sản vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Rất nhiều công ty DL mở tour/tuyến khám phá vẻ đẹp và đặc trưng độc đáo của miền Tây, mang đến cho du khách những trải nghiệm ý nghĩa sâu sắc về vùng đất, con người và văn hóa, ẩm thực…

Năm nào cũng vậy, vào mùa nước nổi, anh Lợi (ngụ quận 5, TP. Hồ Chí Minh) đều tranh thủ đưa gia đình về miền Tây DL trải nghiệm. “Tôi ngại đi chơi vào các dịp lễ, bởi rất đông người, nhưng rất thích đi An Giang vào mùa nước nổi. Cảnh vật yên bình, bao la, bát ngát giữa đồng ruộng mênh mông khiến tâm hồn thư thái. Về An Giang, tôi được “chữa lành” tinh thần sau những ngày vất vả với công việc. Mùa nước nổi còn có nhiều món đặc sản ngon từ thiên nhiên, nên gia đình tôi rất thích khám phá ẩm thực An Giang vào mùa này”…

Trong ẩm thực miền Tây, không thể không nhắc đến các loại bánh ngon truyền thống. Những năm qua, nhiều địa phương đã tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng; quảng bá đặc sản bánh dân gian Nam Bộ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nghệ nhân làm bánh giao lưu và xây dựng thương hiệu bánh dân gian địa phương. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước về xúc tiến thương mại, DL, đầu tư phát triển ẩm thực, sản phẩm đặc trưng của Nam Bộ.

Tháng 8 vừa qua, tại TP. Long Xuyên, diễn ra Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024, kết hợp xúc tiến DL, thương mại - sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Với chủ đề “Hương sắc An Giang”, ngày hội kết hợp hội chợ xúc tiến DL, thương mại - sản phẩm OCOP có quy mô gần 400 gian hàng trưng bày, trình diễn chế biến các loại bánh dân gian tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố cùng các sản phẩm OCOP, đặc trưng, sản phẩm DL của các vùng miền trên cả nước. Trong đó, Hội thi Bánh dân gian làm từ nguyên liệu thốt nốt, với chủ đề “Hương sắc An Giang” không chỉ là sự kiện ẩm thực, mà còn là cơ hội để tôn vinh và gìn giữ nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống của vùng Bảy Núi An Giang, với sự tham gia của các đầu bếp, nhà hàng, quán ăn, nghệ nhân, cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu, Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống từ cây thốt nốt, tạo điều kiện cho người dân thưởng thức, tham gia các hoạt động làm bánh; có cơ hội tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Nam Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội, làng nghề, nghệ nhân làm bánh dân gian có cơ hội quảng bá sản phẩm đến du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu bánh dân gian Nam Bộ trở thành thương hiệu quốc gia…

HỮU HUYNH