Du lịch An Giang phục hồi mạnh mẽ

23/01/2023 - 20:21

 - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dần lắng xuống, ngành du lịch (DL) An Giang có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau gần 3 năm “ngủ đông”. Cùng với ngành DL cả nước, ngành “công nghiệp không khói” An Giang nắm bắt cơ hội phục hồi và tăng tốc phát triển sau dịch bệnh.

Những con số ấn tượng

An Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều núi non với những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, hấp dẫn du khách gần xa, như: Khu DL quốc gia núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... Cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất An Giang, Nam Bộ xưa và các vị anh hùng, danh nhân, người có công lao đối với đất nước, quê hương An Giang, tiêu biểu, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; di tích lịch sử lăng Thoại Ngọc Hầu, di tích lịch sử Văn hóa Óc Eo… Vì thế, An Giang được đánh giá là điểm đến an toàn, người dân thân thiện, chi phí DL “phải chăng”,  có nhiều khu, điểm DL, nhất là DL tâm linh…

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam

Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của DL An Giang. Mức tăng trưởng tích cực về lượng khách trong nước, quốc tế và doanh thu lữ hành, dịch vụ DL đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương đẩy mạnh phát triển DL sau khi khống chế được dịch COVID-19, trở lại trạng thái bình thường. Năm 2022, An Giang đón 7,5 triệu lượt khách (tăng 127% so cùng kỳ, đạt 163% kế hoạch). Trong đó, khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn 280.000 lượt (tăng 73% so cùng kỳ, đạt 140% kế hoạch); khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 370.000 lượt.

Chương trình Caravan du lịch “An Giang - Sắc màu vùng biên”

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, DL là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác. Sau thời gian dài  “đóng băng” vì dịch COVID-19, DL Việt Nam và An Giang đang phục hồi với những con số ấn tượng. Các địa phương, các doanh nghiệp DL, lữ hành liên tục tạo ra các chương trình mới, sản phẩm DL phù hợp với xu hướng DL sau đại dịch, như: DL tâm linh, DL xanh, DL cộng đồng, DL nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe...

“Lượt khách DL tăng cao trong năm 2022 là tín hiệu vui, đồng thời là động lực để An Giang quyết tâm phục hồi, phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2022, doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 4.700 tỷ đồng (tăng 119% so cùng kỳ, đạt 157% kế hoạch). Sự phục hồi của DL đã mang lại cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, đóng góp đáng kể vào doanh thu và đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch” - ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.

Hướng đến phát triển bền vững

Ngành DL An Giang phấn đấu đến năm 2030, thu hút 8.300.000 lượt khách, trong đó, khách lưu trú ước đạt 1.689.000 lượt, gồm: Khách quốc tế 279.000 và khách nội địa 1.410.000 lượt. Tổng doanh thu từ DL năm 2030 khoảng 6.598 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp của ngành DL trong cơ cấu GRDP chung của tỉnh khoảng 13% vào năm 2030. Đồng thời, phát huy tổng hợp các nguồn lực để phát triển DL; đa dạng hóa sản phẩm DL, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đơn vị hoạt động DL trong và ngoài nước.

Phát triển các điểm, tuyến DL, như: Núi Sam, núi Cấm, núi Cô Tô, Óc Eo - Ba Thê, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tuyến DL Long Xuyên - Chợ Mới - Phú Tân - Tân Châu - An Phú; tuyến DL Long Xuyên - Châu Thành - Châu Phú - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn cùng các tuyến DL ngoài tỉnh và nước ngoài.

Phát triển đa dạng các loại hình DL, như: DL tham quan, DL nghỉ dưỡng, DL sinh thái, DL thể thao, vui chơi giải trí, DL văn hóa, DL tâm linh; gắn DL với mua sắm sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ và ẩm thực. Phát triển điểm DL Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn) kết hợp với DL vùng Thất Sơn (huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn), gắn với nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng thuốc nam trồng trên vùng Thất Sơn.

Tỉnh xác định việc phát triển DL gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và lợi ích của cư dân địa phương. Tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng tham gia theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động DL; tạo ra các sản phẩm DL đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

“Phát triển DL An Giang phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề án phát triển DL vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại. Tập trung phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đưa An Giang trở thành trung tâm DL hấp dẫn của ĐBSCL và cả nước” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.

Thời gian tới, ngành DL tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các khu, điểm DL và con người An Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu DL An Giang theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Tăng cường liên kết vùng trong hoạt động DL; triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL năm 2022. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy), đảm bảo các tuyến đường đến các khu, điểm DL trọng điểm được thông thoáng; đảm bảo các khu DL đều đầu tư xây dựng bãi đổ xe theo quy định.

Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: T.H

Thu hút đầu tư nhanh vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn (đạt chuẩn từ 4 sao trở lên); đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm DL được quy hoạch, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng, như: Khu DL quốc gia núi Sam - miếu Bà Chúa Xứ (TP. Châu Đốc), Khu DL núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), Khu DL Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn).

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số DL, phát triển hệ sinh thái DL thông minh, tăng tiện ích cho khách DL, tăng cường phát triển và quảng bá DL trên các phương tiện truyền thông mới, các nền tảng công nghệ số; xây dựng và triển khai các dự án phát triển DL thông minh, mô hình quản lý điểm đến DL thông minh, tăng tiện ích sử dụng, tích hợp trên nền tảng số cho du khách.

Phục hồi DL sau đại dịch COVID-19 là xu thế tất yếu, cũng là mục tiêu chung của nhiều nước trong khu vực. Do vậy, tiếp tục duy trì tốc độ phục hồi của DL theo hướng tăng lượng du khách và tăng doanh thu sẽ là cơ sở để khẳng định vai trò, đóng góp của DL trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích