Du lịch phục hồi tích cực

26/08/2024 - 06:03

 - Những tháng đầu năm 2024, ngành “công nghiệp không khói” Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực. Theo Cục Du lịch (DL) quốc gia Việt Nam, tổng thu từ khách DL trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 513.300 tỷ đồng.

Việt Nam - “Điểm đến hàng đầu Châu Á”

Theo Cục DL quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 9,98 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Lũy kế lượng khách DL nội địa 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 79,5 triệu lượt. Năm 2024, ngành DL Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương năm 2019. Những kết quả tích cực ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan để hiện thực hóa mục tiêu này trong năm nay.

Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, cụ thể hóa Luật DL năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi phát triển ngành DL Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về DL và các chính sách trong lĩnh vực này đảm bảo minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình DL đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm DL, gồm: DL nghỉ dưỡng biển đảo, DL văn hóa di sản, DL cộng đồng nông nghiệp nông thôn và DL đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm: “Mỗi địa phương 1 sản phẩm DL đặc sắc”.

Du khách đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc)

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành đề án phát triển DL đêm, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp thực tiễn của địa phương. Trong thực tế, nhiều địa phương có những cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), ẩm thực đường phố, văn hóa - nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố... tạo ấn tượng với khách DL.

“DL Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch và được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2023, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 57,5% so với mục tiêu đề ra, tổng thu đạt 672.000 tỷ đồng, lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu Châu Á”. Trong 7 tháng đầu năm 2024, DL Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 513.300 tỷ đồng” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh.

Hướng đến phát triển bền vững

Những tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương đã hái được “quả ngọt” từ ngành DL. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về doanh thu DL với 92.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 (tăng gần 15% so cùng kỳ năm 2023). Lượt khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,7 triệu lượt (tăng 38% so cùng kỳ 2023); khách nội địa đạt hơn 17 triệu lượt (tăng 4,4% so cùng kỳ 2023).

Tại An Giang, trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 7 triệu lượt khách tham quan, DL, tăng 16% so cùng kỳ và đạt 78% so kế hoạch năm 2024; tổng doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so cùng kỳ và đạt 129% so kế hoạch cả năm. Mức chi tiêu bình quân chung của 1 lượt du khách tại An Giang là 1.965.000 đồng.

Các chuyên gia cho rằng, nửa cuối năm là thời điểm bùng nổ DL lễ, Tết và các lễ hội, nếu toàn ngành DL tập trung các giải pháp đồng bộ, chọn các điểm đột phá tăng trưởng thì hoàn toàn có thể đạt và vượt các chỉ tiêu cả năm. Tuy nhiên, DL Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các “cường quốc” DL và cả các quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) do thiếu liên kết, chất lượng dịch vụ và sức hấp dẫn của các sản phẩm DL độc đáo, khác biệt, sức hấp dẫn còn hạn chế và thiếu các sản phẩm DL về đêm... Mặt khác, hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ là một trong những hạn chế.

Để nâng cao tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững, ngành DL tiếp tục đẩy mạnh quảng bá DL nội địa và các thị trường quốc tế, nhất là tận dụng tối đa sức ảnh hưởng của công nghệ số và mạng xã hội để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng. Đầu tư, phát triển, làm mới và đa dạng hóa sản phẩm DL, đồng thời khai thác tiềm năng của các loại hình DL mới. Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các điểm đến DL. Tăng cường liên kết các vùng, trung tâm DL và hệ thống vệ tinh lan tỏa, tạo ra không gian DL để phát triển sản phẩm DL hấp dẫn du khách.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, thời gian tới, Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành liên quan, địa phương, đơn vị cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành DL. Tăng cường liên kết vùng và liên kết DL với các ngành khác trong chuỗi phát triển DL, gắn phát triển DL với phát triển xanh, bền vững với phương châm: “Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”. Phấn đấu hết năm 2024, đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp, để thúc đẩy phát triển ngành DL của tỉnh, những tháng cuối năm 2024, ngành DL An Giang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL với TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2024. Triển khai chiến lược truyền thông DL An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện tuyên truyền, tổ chức sự kiện, hoạt động cụ thể, thiết thực, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các khu, điểm DL, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và lưu trú DL trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng quy định.

MINH THƯ