Đưa kiến thức bình đẳng giới vào trường học

28/11/2019 - 07:42

 - Không chỉ là sân chơi để nâng cao kiến thức, hội thi tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai diễn ra lần lượt ở các cụm trường THPT trong tỉnh còn là dịp để học sinh bày tỏ, nêu lên thực trạng còn tồn tại về những bất bình đẳng trong xã hội hiện nay.

Hội thi diễn ra với chuỗi hoạt động: triển lãm tranh, sách, mô hình và tranh tài kiến thức, với mục đích phát huy hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gái… Đặc biệt, các nội dung về ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; vai trò phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống mua bán người; phòng, chống xâm hại phụ nữ… được xoáy sâu ở phần thi kiến thức, với các hình thức: “Rung chuông vàng”, diễn tiểu phẩm, thuyết trình, xử lý tình huống.

Góc tuyên truyền, triễn lãm sách, tài liệu về bình đẳng giới.

Em Lê Thị Mỹ Hoa (học sinh Trường THPT Chu Văn An, Phú Tân) cho rằng, vấn đề bình đẳng giới hiện nay rất đáng quan tâm, nhất là còn bộ phận thế hệ ông bà có tư tưởng thương cháu trai hơn cháu gái. Nhiều gia đình vẫn có sự đối đãi, yêu thương khác biệt giữa con cháu trong một nhà khiến những người còn lại chịu thiệt thòi. Trước thực trạng đó, Mỹ Hoa và nhóm bạn cùng lớp đã nghiên cứu biểu diễn tiểu phẩm “Đứa cháu gái” với thông điệp mong xã hội hãy thực sự bình đẳng, dù sinh con trai, con gái cũng cần yêu thương như nhau, nhất là cần tôn trọng, bảo vệ người phụ nữ trong gia đình.

Bên cạnh quan niệm “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại, theo cô Nguyễn Thị Mai Trinh (giáo viên Trường THPT Bình Thạnh Đông, Phú Tân), hiện nay “les” (đồng tính nữ) và “gay” (đồng tính nam) rất cần được quan tâm. Dù xã hội hiện nay đã tiến bộ, nhiều học sinh đến trường, hòa nhập vào xã hội đã mạnh dạn thể hiện mình, nhưng ngay trong gia đình lại là nơi chưa chấp nhận họ. Một số phụ huynh khi biết về tình trạng của con cái đã có thái độ hững hờ, không chấp nhận, thậm chí đánh đập khiến các em không dám sống thật với giới tính, phải che giấu, trầm cảm. Để có thể thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau không phải là chuyện “một sớm một chiều”, mà phải dùng giải pháp “mưa dầm thấm lâu”.

Bên cạnh những kiến thức do nhà trường cung cấp, lồng ghép giảng dạy ở các môn phù hợp, thì bình đẳng giới rất cần được tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú hơn, gần gũi hơn. Từ những sân chơi này, giáo viên tin rằng, được giáo dục tốt về bình đẳng giới từ sớm sẽ giúp học sinh định hình suy nghĩ, hình thành tính cách, thói quen và hành vi ứng xử bình đẳng, góp phần xây dựng xã hội bình đẳng thực chất. Gắn liền với nội dung này, kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình… đã được đưa vào chương trình ngoại khóa qua tranh vẽ do học sinh tự làm.

Tranh vẽ do học sinh thực hiện tại hội thi.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Phạm Thị Hồng Sương cho biết, cụm huyện Phú Tân có 5 trường tham gia, là hoạt động rất thiết thực trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cũng như thực hiện Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”. Các hoạt động giúp các học sinh hiểu thêm về giới, cho các em thể hiện chính mình, hòa hợp với cộng đồng. Mục đích ngành giáo dục và đào tạo hướng đến là tuyên truyền trong nhân dân, phụ huynh, học sinh biết về Luật Bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình để từ đó tất cả mọi người đều có vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh, phòng chống bạo lực gia đình.

“Học sinh chứng tỏ kiến thức qua cuộc thi “Rung chuông vàng”, sáng tạo tiểu phẩm và thuyết trình, gửi gắm tiếng nói của các em đến các bạn của mình, tâm tư gửi đến thầy cô giáo, phụ huynh về bình đẳng giới rất bổ ích, ý nghĩa. Những giải pháp giáo dục trong nhà trường cùng với sân chơi ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh như thế này sẽ giúp các em có cái nhìn đúng đắn hơn về sự bình đẳng” - cô Phạm Thị Hồng Sương chia sẻ.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích