Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

22/09/2022 - 07:01

 - Đây là hướng đi tiềm năng đang được nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp áp dụng nhằm tăng cường quảng bá, liên kết với người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là một trong số đó.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái có tổng diện tích khoảng 4ha trồng bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan, anh Nguyễn Quốc Khánh (Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba) cho biết, năm 2016, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi và xoài. Đến năm 2018, gia đình quyết định canh tác vườn theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện, cây trồng đã được thu hoạch ổn định 3 năm gần đây, năng suất trung bình mỗi năm khoảng 15 tấn bưởi và 20 tấn xoài. Sau đó, anh Khánh quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba nhằm khẳng định thương hiệu, tiếp cận được nhiều thị trường hơn và liên kết tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Đến nay, doanh nghiệp của anh Khánh đã hoạt động ổn định, khả năng cung ứng và sản xuất đáp ứng được những đơn hàng lớn từ các đối tác.

Các sản phẩm nông sản ở An Giang bán trên sàn thương mại điện tử Shopee

Với sự nỗ lực của cá nhân nhằm nâng cao giá trị nông sản, anh Khánh đã tìm tòi, tham quan, học hỏi các phương án, công nghệ và xu hướng chế biến nông sản sau thu hoạch qua các dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Nông lâm (TP. Hồ Chí Minh), các hội chợ triển lãm công nghệ chế biến,...

Từ đó, anh Khánh đã nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo. Đây là sản phẩm vừa đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, với hệ thống khép kín từ vùng nguyên liệu sạch (xoài cát Hòa Lộc tự nhiên được gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP) đến khâu chế biến nhằm cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cao, có thể giám sát và truy nguyên nguồn gốc.

“Công ty luôn không ngừng cải tiến, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt nhất, xem ý kiến của khách hàng là động lực giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm của mình. Nhờ không sử dụng hóa chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm của công ty được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước, nhận được đánh giá cao từ khách hàng” - anh Khánh chia sẻ.

Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho trái bưởi tươi và xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo, anh Khánh đã nhạy bén, chủ động đưa sản phẩm của công ty lên sàn thương mại điện tử. “Bán hàng trực tuyến là xu hướng chung của nền kinh tế thị trường hiện nay. Bưởi da xanh và xoài sấy dẻo của công ty đang được bán trên các sàn thương mại điện tử, như: Sendo, Shopee,…

Ngoài ra, công ty còn duy trì hiệu quả hoạt động website của đơn vị, thường xuyên đăng bài, hình ảnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội để người tiêu dùng trong và ngoài nước tiếp cận các sản phẩm của công ty dễ dàng” - anh Khánh thông tin.

Theo anh Khánh, nếu như trước đây, nông sản và sản phẩm của công ty sản xuất ra được tiêu thụ trên thị trường tự do, bán quanh quẩn ở các chợ, giá cả không ổn định, bị thương lái ép giá thì hiện nay, sau khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng khắp nơi dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu giá cả, địa chỉ sản xuất, chất lượng sản phẩm, đặt mua chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp công ty tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, khách hàng nhiều hơn, thanh toán tiện lợi, nhanh chóng, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp lên 20-30% so với tiêu thụ nông sản theo cách truyền thống.

Bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường, hướng tới nhiều đối tượng người tiêu dùng khắp các vùng miền trong và ngoài nước. Đây là hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.

“Việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử có rất nhiều lợi thế, giúp khách hàng hiểu được giá trị nông sản, trực tiếp kiểm tra những chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây là cách tiếp cận khách hàng ngắn nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho sản phẩm nông sản” - anh Khánh chia sẻ.


TRỌNG TÍN