Đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Romania đi vào chiều sâu

13/04/2019 - 14:20

Romania là một trong số 10 nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trải qua 69 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được hai bên không ngừng vun đắp và phát triển.

Nhận lời mời của Thủ tướng Romania Viorica Dancila, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Romania từ ngày 14 đến 16-4.

Phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống

Romania là một trong số 10 nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1950. Trải qua 69 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được hai bên không ngừng vun đắp và phát triển.

Nhân dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ mà nhân dân và Chính phủ Romania đã dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Hai nước tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau tích cực trên trường quốc tế và tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM).

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu 6 tháng đầu 2019, Romania sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước Liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ tăng cường mối quan hệ giữa Romania-ASEAN.

Hai bên đã ủng hộ nhau ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Romania nhiệm kỳ 2004-2005, Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2009). Romania ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 1998-2000, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và gia nhập Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO).

Việt Nam ủng hộ Romania vào Hội đồng Nhân quyền (tháng 5-2006, tháng 5-2011), Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2007-2008, Hội đồng điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) nhiệm kỳ 2011-2014.

Trong khuôn khổ ASEM, hai bên cùng đồng bảo trợ sáng kiến của Hungary về vai trò nguồn nước trong chiến lược phát triển khu vực bền vững.

Những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Năm 2009, nhân chuyến thăm Romania của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Theo đó, Bộ Ngoại giao hai nước đã tiến hành tham khảo chính trị thường niên ở cấp Quốc vụ khanh-Tổng vụ trưởng.

Tháng 2-2010, hai bên đã tiến hành tham vấn chính trị cấp Tổng Vụ trưởng tại Hà Nội. Tháng 9-2016, hai bên đã tiến hành tham vấn chính trị cấp Tổng Vụ trưởng tại Bucharest, Romania...

Về lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tháng 10-2010, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu đã thăm Romania; tháng 4-2010, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Romania đã thăm Việt Nam.

Tháng 4-2011, Quốc vụ khanh Quốc phòng Romania thăm Việt Nam, nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực Quốc phòng...

Chia sẻ những ưu tiên chính trong quan hệ Romania-Việt Nam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Romania tại Việt Nam, ông Emil Ghitulescu cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng và truyền thống của Romania tại khu vực Đông Nam Á.

Quan hệ Việt Nam-Romania đang hướng tới những mục tiêu chính: Thứ nhất, gia tăng hợp tác thương mại song phương. Thứ hai, thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước. Thứ ba, đẩy mạnh các thủ tục chứng nhận xuất khẩu các hàng hóa có nguồn gốc từ động vật của Romania như thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thức ăn chăn nuôi, mật ong... vào thị trường Việt Nam. Bốn là phát triển mối quan hệ giữa các thành phố và địa phương hai nước.

Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực

Từ sau 1990, hai bên đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới. Năm 2009, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại song phương tăng đều đặn trong những năm gần đây, năm 2017 đạt 217 triệu USD; năm 2018 đạt hơn 218 triệu USD, hai tháng đầu năm 2019 đạt 41,6 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là càphê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là hóa chất, phân bón, sắt thép xây dựng, hạt nhựa, thiết bị khoan dầu khí, sản phẩm gỗ…

Từ năm 2010, Romania đã được xếp vào nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam (khoảng 12.000 tấn-năm). Tính đến hết năm 2017, Romania có 3 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 2,1 triệu USD.

Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong cho rằng Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt, có thể bổ sung cho nhau. Hai nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, có nhu cầu mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới.

Hai nền kinh tế có vị trí địa lý cửa ngõ của khu vực, tham gia nhiều cơ chế thương mại và quốc tế... Trong bối cảnh tiềm năng của hai nền kinh tế đang phát triển năng động và hợp tác Liên minh châu Âu-Việt Nam đang phát triển, hai nước có nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác thương mại, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, việc triển khai, ký kết các Chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo, Chương trình Hợp tác văn hóa, Hợp tác về khoa học – kỹ thuật, các thảo thuận hợp tác giữa các địa phương, các hoạt động giao lưu nhân dân cũng sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển quan hệ hai nước.

Năm 1997, Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin Trần Hoàn đã thăm chính thức Romania. Năm 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công "Tuần văn hóa Việt Nam" tại thủ đô Bucharest. Hàng năm, nhân dịp Quốc khánh Romania, Lãnh đạo Đại sứ quán Romania tại Hà Nội đều được phát biểu trên Đài Truyền hình Việt Nam. Từ năm 2009, các công ty du lịch lớn của Romania như Marshal Tourism, Happy Tour... đã khởi động việc đưa khách Romania sang du lịch Việt Nam.

Hợp tác về giáo dục, từ năm 1992, Romania đã khởi động lại việc cấp học bổng cho Việt Nam. Năm 1995, hai nước ký Hiệp định về Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục và thể thao. Theo đó hàng năm, Romania cấp cho Việt Nam 10 học bổng đại học và trên đại học.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Romania (tháng 7-2013), hai bên đã ký Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2013-2016.

Từ năm 2006, Chính phủ Romania đã thiết lập chương trình cấp học bổng "Ionesco" đào tạo tiến sỹ cho các nước Pháp ngữ, trong đó có Việt Nam.

Tháng 10-2006, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Petroconsult của Romania đã ký hợp đồng đào tạo nhân lực và vận hành thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, 60 cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đã được tu nghiệp một năm tại Romania và 56 chuyên gia Romania đã sang làm việc tại Nhà máy trong giai đoạn vận hành thử.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2003-2009, Romania đã đào tạo cho Petrovietnam 35 kỹ sư dầu khí. Hiện nay khoảng 50 lưu học sinh ta đang học tập tại Romania.

Hợp tác giữa địa phương hai nước được tăng cường, thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương như Hà Nội-Bucharest, Đà Nẵng-Timisoara, Lào Cai-Hunedoara, Iasi-Huế.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa hai tỉnh Tulcea-Bến Tre, hai bên đang thúc đẩy triển khai Dự án “Thành lập thí điểm Khu Bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm Tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mekong” tại tỉnh Bến Tre theo Thỏa thuận vừa ký kết giữa hai địa phương bên lề ASEM-10 tại Milan, Italy ngày 16-10-2014 và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, hai địa phương này đã trao đổi đoàn lẫn nhau, cũng như cùng phối hợp kêu gọi Liên minh châu Âu tài trợ các dự án chung.

Chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và quyết tâm đưa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng lợi ích của mỗi nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Chuyến thăm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác với Romania trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, nông nghiệp, hợp tác lao động, hợp tác giữa các địa phương.

Theo NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (Vietnam+)