Đây là một nhánh cây khô, đã trải qua “tân trang” để trở thành nhánh mai đẹp mắt. Để hoàn thành một sản phẩm như thế này, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Cán bộ, chiến sĩ đi một vòng đơn vị, tìm nguyên vật liệu “tiềm năng”, đem về tạo dáng, sơn phết màu gỗ bóng bẩy.
Tết, ở miền Nam là sắc vàng nôn nao của mai. Những cành cây khô hôm trước được “phết” thêm sức sống mới. Nhưng chúng chỉ bừng sáng và tươi tắn khi được kết thêm hoa.
Nhưng Tết trong đơn vị còn rực rỡ sắc hồng tươi của đào miền Bắc. Điểm nhấn không nằm ở hoa, mà nằm ở “thân cây”, được tạo hình khéo léo từ dây chì, cũng uốn lượn như nhành cây thứ thiệt.
Cán bộ, chiến sĩ còn sáng tạo dây đồng làm thân mai, hòa lẫn sắc vàng óng cho ngày Tết thêm rực rỡ. Mỗi sản phẩm được làm kỳ công trong cả tuần lễ, huy động nhiều chiến sĩ cùng chung tay.
Trên những chậu mai hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của từng chi đoàn, từng chiến sĩ trẻ. Đó là những nét chữ cách điệu, không hẳn đẹp mắt, nhưng gắn liền với tên của thành viên, minh chứng tháng ngày họ bên cạnh nhau để cùng đón Tết.
Có khi đơn giản là một hình ngộ nghĩnh, được cắt từ giấy trắng đen, kết nối với chậu mai bằng sợi chỉ màu sắc.
Một sản phẩm khác được tạo hình tỉ mỉ, phối màu sắc tươi sáng, mang đến cảm giác bình yên, từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo không biên giới của những người lính đôi mươi.
Sau khi hoàn thành, sản phẩm được các chi đoàn mang ra trưng bày trong khuôn viên đơn vị, thổi bừng không khí Tết.
Những tác phẩm này được vận chuyển từ nhiều doanh trại quân đội, đưa về tập trung tại Đại đội 5 (Tiểu đoàn 511, Trung đoàn 892, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), chuẩn bị cho khâu chấm chọn cấp Tiểu đoàn.
Chi đoàn 5 mang đến tác phẩm “Thác đổ trên cây mai vàng”. Cây mai có dáng chảy như dòng suối, ngọn hướng xuống, nhưng phần nụ và lá lại vươn lên, tạo dáng vẻ độc đáo. Gửi gắm trong tác phẩm này là thông điệp: Thử thách luôn hiện diện xung quanh, nhưng góp phần rèn luyện con người trưởng thành. Nhờ vậy, tác phẩm đoạt giải cao tại hội thi.
Quá trình chấm chọn làm “đau đầu” ban giám khảo, khi tác phẩm đều chất lượng suýt soát nhau, đều rực rỡ sắc màu, phong phú về kiểu dáng, sáng tạo về ý tưởng.
Thiếu tá Dương Bá Lộc, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 892 bày tỏ: “Trung đoàn có đặc thù đóng quân rải rác nhiều địa phương trong tỉnh, nên hàng năm hội thi được tổ chức luân phiên ở các đơn vị khác nhau. Hội thi giúp cán bộ, chiến sĩ có sân chơi lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để anh em đón Tết. Từ đó, rèn luyện sự khéo léo, tinh thần cần cù, nhẫn nại, trách nhiệm trong công việc, hiểu rõ hơn về truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc”.
Sau khi hội thi kết thúc, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ chở mai về đơn vị mình “đón Tết”, bởi Tết đã đến thật gần. Tác phẩm ấy, có thể được tặng cho chiến sĩ mới nhập ngũ, có thể được trưng bày ở doanh trại, hoặc làm quà tặng người thân, đúng nghĩa “trao tặng Tết cho nhau”.
Những người lính ấy lần đầu đón Tết xa nhà, vương vấn nỗi nhớ quê, nhớ người thân khó tả, nhất là khi chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa cái ồn ào náo nhiệt của đời sống bên ngoài và kỷ luật đặc thù của đơn vị quân đội. Nhưng đây chắc chắn là mùa Tết ấn tượng nhất, bởi họ được sống trong tình yêu thương của đồng chí, đồng đội, trong mùa xuân đầy cống hiến của tuổi trẻ.
GIA KHÁNH