GS.TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, là người từng viết tâm thư vào năm 2015 gửi lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề xuất việc cần phải có quốc sách đối với việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.
Thời điểm đó, GS Trần Văn Nhung đề xuất Bộ Chính trị sớm ban hành một chỉ thị tương tự như Chỉ thị 58 về CNTT, nhưng cho ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục.
Ngày 12/8, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của BCH TW Đảng, trong đó yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Theo GS Trần Văn Nhung, đây là tin đáng mừng bởi khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống sẽ cùng vào cuộc để thành công như việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin. VietNamNet xin giới thiệu tới quý độc giả chia sẻ của GS Trần Văn Nhung.
Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Một nội dung quan trọng trong đó yêu cầu các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Theo tôi, đây là điều rất đáng mừng.
Chưa bao giờ yêu cầu hội nhập quốc tế, hay cao hơn nữa là quốc tế hóa nguồn nhân lực và nền kinh tế lại bức thiết và trực tiếp như hiện nay, khi Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và AI.
Càng ngày chúng ta càng thấy rõ: Khả năng sử dụng ngoại ngữ và tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ với tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh. Trí tuệ nhân tạo đã sáng chế ra máy dịch ngôn ngữ nhưng cũng chưa thay được con người và chuyên gia.
Thực tế, chúng ta cũng đã cố gắng và làm được nhiều việc trong quá trình đưa ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, vào nhà trường và xã hội, nhưng đây là chỉ thị đầu tiên của Bộ Chính trị cho lĩnh vực cụ thể này.
Những việc cần làm ngay
Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, theo tôi đây là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn.
Nhưng tôi tin rằng, khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Cụ thể, căn cứ vào luật pháp, nghị quyết của Quốc hội, rút kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh trước đây, Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai cụ thể việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thi cử, cơ chế, chính sách…
Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và các bậc cha mẹ ở các vùng khó khăn.
Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT và các chuyên gia xem xét tăng cường tối đa việc tham khảo, sử dụng các chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế cho Việt Nam, hợp tác để mời thêm giáo viên Việt kiều và các nước.
Ngôn ngữ là công cụ phục vụ việc dạy và học, sinh hoạt, giao tiếp, làm việc. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai phải được hiện thực hóa và gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động.
Bài học của Singapore và Malaysia
Những bài học kinh nghiệm thành công khi đưa tiếng Anh vào nhà trường, xã hội là ngôn ngữ thứ nhất hay thứ hai của các nước ASEAN, điển hình như Singapore, Malaysia, Philippines, Thailand, Myanmar hay Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... là bài học quý cho chúng ta.
Ở đây, tôi xin tập trung vào trường hợp Singapore như một ví dụ thành công điển hình ở ASEAN, châu Á và trên thế giới, nhờ luôn đề cao tiếng Anh, công nghệ thông tin và chủ trương quốc tế hóa nền khoa học và giáo dục.
Khi mới được tách ra khỏi Malaysia, Singapore chỉ là một làng chài nhỏ bé, đến nước uống cũng không có, phải mua của Malaysia. Vì thế Thủ tướng Lý Quang Diệu xác định nước họ phải đi lên bằng cái đầu, bằng nguồn nhân lực và tài năng tầm quốc tế.
Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Cả ba vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình, nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh.
Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho các trường học, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.
Không chỉ đối với giáo dục phổ thông mà ngay cả những trường đại học nổi tiếng hàng đầu của Singapore từ lâu đã sử dụng luôn chương trình giảng dạy về khoa học và công nghệ, sách giáo khoa và sách tham khảo bằng tiếng Anh, áp dụng việc thi cử và bằng cấp của các đại học đứng đầu thế giới như Harvard, MIT của Mỹ và Cambridge, Oxford của Anh.
Singapore đã coi tiếng Anh là chìa khóa để cạnh tranh và tránh tụt hậu. Nhờ kiên trì thực hiện chủ trương “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học, ngày nay Singapore có lợi thế lớn.
Cũng trong thời gian đó, Malaysia, nước láng giềng bên cạnh Singapore, chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả là rất nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra nước ngoài học, trong đó có nhiều thanh thiếu niên nhà giàu, khiến mỗi năm đất nước bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ USD và nguy hại hơn là chất lượng đại học đi xuống. Sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Malaysia hãy trở lại với tiếng Anh.
Tôi cũng cho rằng, Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả với nhiều ứng dụng phong phú, đa dạng trong toàn xã hội. Đây là bài học và kinh nghiệm quý cho chúng ta để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai.
Ngoài ra theo tôi, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội.
Con người Việt Nam thời cách mạng công nghiệp 4.0
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là hai công cụ có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.
Ở nhiều ngành nghề, những công việc cũ sẽ mất đi, công việc mới sẽ ra đời. Thế hệ trẻ nước ta cần chuẩn bị gì, học gì, làm gì để có công ăn việc làm và tránh bị thất nghiệp? Tôi nghĩ những kiến thức cơ bản về toán học, tin học và tiếng Anh sẽ là hành trang cơ bản để các bạn trẻ “xoay xở” thời biến động AI, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Tôi xin đề xuất “công thức” con người cần có trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, AI: Con người Việt Nam thời cách mạng công nghiệp 4.0 = Sức khoẻ tốt + Trái tim nhân hậu + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh (và ngoại ngữ) + IT/ICT.
Có điều rất đáng mừng là thế hệ trẻ nước ta, với tư duy tốt và ham học, nhanh chóng nắm bắt, ham thích IT/ICT và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, sẽ hào hứng đón nhận Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị để học tập và khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và AI hiện nay.
Theo Vietnamnet