Thông tin về chủng virus corona mới (2019-nCoV) được niêm yết ở sân bay Tegel, Berlin, Đức ngày 26-1-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, với việc virus SARS-CoV-2 đang lây nhiễm và bùng phát mạnh ở miền Bắc Italy, giới chuyên gia Đức đang hết sức lo ngại nguy cơ dịch lây lan tới nước này, cảnh báo có thể có những trường hợp lây nhiễm còn ủ bệnh. Bộ trưởng Spahn cho rằng những diễn biến mới của dịch ở Hàn Quốc, Iran hay Italy đã làm thay đổi tình hình và đại dịch thực sự đã tràn tới lục địa này. Theo ông, dịch bệnh cũng có thể lây lan tới Đức và nước Đức đã chuẩn bị tốt nhất để ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát. Ông nhấn mạnh nước Đức luôn theo dõi sát sao, chuẩn bị sẵn sàng, minh bạch và có những chỉ đạo phù hợp với tình hình. Bộ trưởng Đức cũng cho biết giới chức nước này đang trao đổi chặt chẽ thông tin với các nước sát biên giới Italy như Áo, Slovenia, Pháp và Thụy Sĩ.
Theo chuyên gia Frank Roselieb thuộc Viện Nghiên cứu khủng hoảng Đại học Kiel, có thể sẽ không xảy ra kịch bản phong tỏa làng mạc và thành phố như ở những nơi khác nếu dịch xảy ra ở Đức, bởi hệ thống cảnh báo sớm và bảo vệ thảm họa ở Đức có khác biệt và được tổ chức tốt hơn ở Italy hay Trung Quốc. Ông Roselieb cho rằng biện pháp như vậy khó có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus mới, bởi khác với các thành phố như ở Trung Quốc, nơi người dân có thể tự cung ứng, các thành phố châu Âu lại luôn cần có tiếp vận từ bên ngoài để đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân. Theo ông, trong trường hợp bị phong tỏa, những thành phố lớn của Đức như München, Berlin hay Köln chỉ có thể "trụ" được vài ngày.
Chuyên gia này cũng nhận định việc cách ly quy mô lớn chỉ có ý nghĩa về mặt tâm lý khi thấy rằng nhiều biện pháp đang được thực thi, song về hiệu quả, biện pháp như vậy chỉ có thể tạm thời ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông nhận định Đức sẽ hành động khác với Italy nếu virus lan rộng. Việc quản lý khủng hoảng sẽ bắt đầu ở cấp địa phương, với những biện pháp cụ thể được chỉ dẫn thực hiện. Nếu chưa đủ, có thể yêu cầu cứu trợ thảm họa từ chính phủ liên bang. Thay vì phong tỏa toàn thành phố trong trường hợp xảy ra đại dịch, những người nhiễm bệnh sẽ được cách ly một cách phi tập trung, như trong các khu vực doanh trại. Các tổ chức tình nguyện sẽ chăm sóc người dân trong các bệnh viện cấp cứu này, để không khiến các bệnh viện bị quá tải. Kịch bản này đã được thử nghiệm vài tuần trước khi khoảng 120 người Đức trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Họ đã được cách ly ở một doanh trại và sau 14 ngày, những người trở về từ Trung Quốc đã được phép về nhà.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh ở những nơi khác ngoài Italy được đánh giá từ mức trung bình đến cao và trong những ngày tới có thể có thêm các trường hợp nhiễm ở Italy cũng như ở các quốc gia châu Âu khác.
Theo MẠNH HÙNG (Báo Tin Tức)