EC xem xét 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam trong tháng 5-2018

24/04/2018 - 16:04

Từ 16 đến 23-5-2018, đoàn Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.


Ngày 23-4-2018 là hết thời hạn 6 tháng Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.  

Theo Tổng Cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục 9 khuyến nghị của EC.
 

Việt Nam đang nỗ lực để thoát thẻ vàng từ EC. Ảnh: TTXVN

Trong đó, các cơ quan chức năng xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm.

Đến nay, 25-28 tỉnh, thành phố ven biển ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và 28 tỉnh ven biển, đến nay toàn bộ ngư dân khai thác trên biển đã nhận thức được việc phải chấm dứt khai thác bất hợp pháp. 

Về việc hết thời hạn 6 tháng EC áp thẻ vàng đối với thủy sản khai thác Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, từ 16 đến 23-5,  sẽ có một đoàn Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC. 

Theo Tổng cục Thủy sản, trước ngày 23-4,  các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở, các cảng cá hoàn thiện các thiếu sót mà EC đã khuyến nghị. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý tàu cá, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra xử lý trên biển cũng như tại cảng. Đặc biệt, là các hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận các sản phẩm khai thác thủy sản trên biển. 
 

Việt Nam đang nỗ lực để phát triển nghề khai thác hải sản minh bạch. Ảnh: TTXVN

Với những nỗ lực của ngành thủy sản trong thời gian qua, ông Hùng cho rằng, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng sẽ gỡ được thẻ vàng. Tuy nhiên, nếu chưa đáp ứng được các yêu cầu khuyến nghị mà EC đặt ra, thì EC sẽ có kết luận sau ngày làm việc từ 16 đến 23-5 tới. 

Chính phủ, Bộ NN&PTNT đều hướng đến phát triển nghề cá bền vững, vừa gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi, quản lý được các tàu cá, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 78/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Luật Thủy sản (mới) cũng hướng tới cải thiện nghề cá để làm sao khai thác bền vững, phù hợp với thông lệ của các tổ chức trong khu vực và thế giới.

Về công tác kiểm soát và quản lý tàu cá, ông Hùng cho biết, Việt Nam có khoảng 109.000 tàu, trong đó, số lượng tàu khai thác xa bờ khoảng 28.000 tàu. Tuy nhiên, chúng ta mới lắp được thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 13.000 tàu.

Ông Hùng cho rằng, khó khăn nhất đó chính là kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nếu lắp đặt được hết thiết bị giám sát hành trình lên các tàu thì mới kiểm soát được tàu cá trên biển. Lúc đó, sẽ hoàn toàn yên tâm với việc quản lý và chống khai thác bất hợp pháp. 

Hiện nay Tổng Cục Thủy sản đã trình Thủ tướng Chính phủ dự án tiếp tục đầu tư nâng cấp 29 trạm kiểm soát tàu cá bờ dọc theo 28 tỉnh ven biển. Bên cạnh đó, đã xây dựng xong dự án lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo H.V (Báo Tin tức)