Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) họp tại TP Granada - Tây Ban Nha ngày 6-10, tập trung tìm kiếm biện pháp tránh xảy ra cuộc khủng hoảng di cư mới và xử lý các thách thức liên quan đến vấn đề mở rộng.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh trên, theo Reuters, Tây Ban Nha và Ý đã bày tỏ lo ngại về dòng người di cư gia tăng khác thường đến các hòn đảo của họ trong năm nay. Ngoài ra, vùng biển ngoài khơi Hy Lạp vào tháng 6-2023 là nơi xảy ra thảm kịch đắm thuyền chở người di cư khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Là điểm đến ưa thích của nhiều người di cư sau khi đặt chân đến châu Âu, Đức đã thực thi các biện pháp kiểm soát tại biên giới và cho rằng điều này là cần thiết để ngăn nạn buôn người.
Đức có động thái trên sau khi ghi nhận số lượng đơn yêu cầu xin tị nạn tăng gần 80% kể từ đầu năm đến nay. Một số nước khác cũng siết chặt kiểm soát biên giới để đối phó dòng người nhập cư trái phép. Riêng Ba Lan hiện từ chối tiếp nhận thêm người di cư đến từ Trung Đông và châu Phi.
Lãnh đạo các nước thành viên EU tại hội nghị ở TP Granada - Tây Ban Nha ngày 6-10. Ảnh: REUTERS
Giới chức EU vào tuần rồi cho biết khoảng 250.000 người di cư đã đến các nước thành viên khối này kể từ đầu năm, tức vẫn thấp hơn nhiều so với con số hơn 1 triệu người vào năm 2015. Tuy nhiên, chuyện người di cư hiện vẫn là vấn đề nhạy cảm về chính trị, nhất là khi chính sách chống người nhập cư đang ngày một phổ biến tại một số nước EU.
Một nội dung thảo luận quan trọng khác là hướng đi chiến lược của EU thời gian tới, trong đó có việc kết nạp thêm thành viên. Các nhà lãnh đạo thảo luận về những thay đổi cần thiết để bảo đảm vấn đề mở rộng diễn ra suôn sẻ sau khi khối này đối mặt một loạt khủng hoảng và thách thức, như đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu năng lượng, tác động của biến đổi khí hậu…
Danh sách các nước muốn tham gia EU hiện có Ukraine, Moldova và một số quốc gia ở vùng Tây Balkan. Trong số này, Ukraine và Moldova đã chính thức được trao quy chế ứng viên EU.
Trong khi đó, Serbia và Montenegro là hai nước đầu tiên ở vùng Tây Balkan tiến hành thảo luận về vấn đề gia nhập EU, theo sau là Albania và Bắc Macedonia vào năm ngoái.
Trong bối cảnh tiến trình kết nạp dự kiến còn kéo dài nhiều năm, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho rằng khối này nên chào đón thành viên mới vào năm 2030. Vào tháng rồi, lãnh đạo một số nước ở Tây Balkan muốn gia nhập EU cũng nhấn mạnh việc mở rộng không nên diễn ra muộn hơn năm 2030.
Ngoài yếu tố thời gian, một thách thức khác trong vấn đề mở rộng là có được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên đối với các ứng viên tiềm tàng, nhất là cái tên gây tranh cãi Ukraine.
Theo Reuters, một nguồn tin cho biết EU đang xem xét giải ngân hàng tỉ euro đang bị đóng băng cho Hungary trong nỗ lực thuyết phục nước này chấp thuận các chính sách liên quan tới Ukraine. Hungary được cho là có thể phản đối quyết định của EU nhằm khởi động đàm phán kết nạp Ukraine.
Quyết định này dự kiến được đưa ra vào tháng 12-2023 và cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 thành viên EU. Ngoài ra, sự đồng thuận này cũng cần đến trong vấn đề cung cấp viện trợ cho Ukraine trong tương lai.
Theo HOÀNG PHƯƠNG (Người lao động)