Trong sáng 16-10, các nhà đàm phán Anh và EU đã nối lại các cuộc đàm phán sau khi hai bên đã tiến hành thương lượng trong 11 tiếng đồng hồ, đến tận 1h30 sáng ngày 16-10. Thông tin phát đi từ cả hai phía cho biết, các đàm phán đã có tiến triển nhưng hai bên vẫn chưa thể đột phá.
Ông Barnier. Ảnh: Challenges.
Theo dự kiến, vào 14h chiều 16/10 theo giờ Brussels, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier sẽ phải thông báo cho Đại sứ các nước EU biết liệu hai bên có đạt được một thoả thuận Brexit để kịp trình lên cho nguyên thủ các nước EU xem xét tại Thượng đỉnh EU vào ngày mai, 17/10 hay không. Nhiều nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho biết hai bên đã tiến rất gần đến một thoả thuận nhưng vẫn chưa thể hoàn tất 100%.
Trong khi đó, báo chí Anh cũng phát đi thông tin cho biết, trong tối ngày 15/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp nhận nhượng bộ quan trọng liên quan đến biên giới Bắc Ireland, theo đó sẽ có một biên giới hải quan trên biển Ireland ngăn cách giữa đảo Ireland, bao gồm cả vùng đất Bắc Ireland thuộc Anh, với Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng của ông Boris Johnson là sẽ phải thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), đảng liên minh với đảng Bảo thủ cầm quyền, chấp nhận phương án chia cắt này. Thông tin cho các nghị sĩ Anh trong sáng 16-10, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, Steve Barclays tuyên bố chính phủ Anh sẽ không chấp nhận việc gia hạn Brexit, dù chỉ là về mặt kỹ thuật trong một thời gian ngắn.
Về phía EU, phát biểu trước báo giới sáng 16/10, Thủ tướng CH Ireland, Leo Varadkar nhận định EU nhiều khả năng phải tổ chức một cuộc thượng đỉnh khác từ nay cho đến trước ngày 31/10 do còn quá nhiều điểm cần phải thảo luận kỹ. Phía EU vẫn yêu cầu Anh đưa ra các đảm bảo cụ thể và chặt chẽ hơn về việc chống gian lận hàng hoá qua biên giới Bắc Ireland.
Ngoài ra, EU cũng muốn chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cam kết trong tương lai không thực thi các chính sách về xã hội và môi trường dưới tiêu chuẩn so với EU nhằm cạnh tranh với khối này. Nhiều nước EU thậm chí lo ngại Anh có thể biến thành một thiên đường thuế ngay cửa ngõ châu Âu. Tuy nhiên, điều này vốn bị nhiều thành viên theo quan điểm cứng rắn trong đảng Bảo thủ Anh phản đối bởi cho rằng việc cam kết này sẽ cản trở Vương quốc Anh tự do thực thi chính sách kinh tế và thương mại của mình.
Theo VOV