Biểu tượng Facebook trên màn hình máy tính bảng. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 21-9, công ty Facebook thông báo kế hoạch mở chi nhánh tại Nigeria vào đầu năm 2021 nhằm tăng cường sự hiện diện của mạng xã hội lớn nhất thế giới này tại khu vực châu Phi hạ Sahara.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong một thông báo, Facebook cho biết chi nhánh đặt tại thủ phủ kinh tế Lagos của Nigeria sẽ bao gồm các bộ phận kỹ thuật hệ thống, tiếp thị bán hàng, quan hệ đối ngoại và truyền thông.
Trước đó, năm 2015, Facebook đã mở văn phòng châu Phi đầu tiên tại thành phố Johannesburg của Nam Phi.
Trong thông báo, người đứng đầu bộ phận thử nghiệm sản phẩm mới của Facebook Ime Archibong nêu rõ là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển và sáng tạo nhất châu Phi, Nigeria sẽ đóng vai trò như một bàn đạp để Facebook tiếp tục mở rộng hoạt động và tiến sâu hơn vào lục địa đầy tiềm năng này.
Kế hoạch mở chi nhánh tại Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với 206 triệu người, được xem là bước tiến mới nhất của Facebook vào Lục địa Đen sau khi mạng xã hội này tháng Năm vừa rồi đạt được thỏa thuận cùng một nhóm các tập đoàn viễn thông hàng đầu châu Phi và quốc tế tiến hành xây dựng hệ thống cáp quang khổng lồ ngầm dưới biển nhằm tăng cường dung lượng kết nối Internet giữa châu Phi, châu Âu và Trung Đông.
Với độ dài lên đến 37.000km, dự án xây dựng hệ thống cáp quang biển có tên là 2Africa được xem là một trong những hệ thống cáp ngầm lớn nhất thế giới.
Có dung lượng thiết kế đạt 150 Terabyte/giây (Tbps), 2Africa sẽ kết nối internet liên thông giữa châu Âu, Trung Đông tới 21 điểm tại lục địa châu Phi.
Theo tính toán, hệ thống cáp quang mới sẽ có dung lượng lớn gấp 3 lần tổng dung lượng của tất cả các hệ thống cáp quang biển mà châu Phi hiện đang sử dụng.
Dự án 2Africa sẽ sử dụng công nghệ cáp quang mới với 16 cặp lõi thay vì 8 cặp lõi của công nghệ cũ, qua đó tăng cường đáng kể dung lượng băng thông cũng như chất lượng truyền dẫn.
Bên cạnh đó, hệ thống cáp sẽ được tích hợp công nghệ chuyển mạch quang học nhằm tăng cường biên độ và tính linh hoạt trong quá trình điều chỉnh băng thông. Đặc biệt, hệ thống cáp quang biển của 2Africa sẽ được chôn sâu hơn 50% so với hệ thống cáp quang truyền thống nhằm giảm thiểu nguy cơ hư hại do các tác động xung quanh.
Theo Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), các nền kinh tế lớn tại châu Phi đang chứng kiến số lượng người sử dụng internet ngày càng tăng nhờ vào tốc độ phát triển nhanh chóng của dịch vụ dữ liệu di động (3/4G) trong khi giá bán điện thoại thông minh ngày càng rẻ hơn.
Tuy nhiên, xét trên quy mô toàn châu lục, hiện chỉ có 39% người dân tại lục địa 1,3 tỷ dân này được tiếp cận với internet, so với mức bình quân 59% của thế giới.
Theo PHI HÙNG (TTXVN)