Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành lần thứ tư liên tiếp ở mức 5,25-5,5% vào kỳ họp đầu tiên của năm 2024 (30-31/1) với lý do chính là áp lực lạm phát dù giảm song vẫn còn cách khá xa ngưỡng mục tiêu 2%.
Động thái này cho thấy chặng đường tăng lãi suất đã chấm dứt song khả năng xoay trục chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và những tác động đối với lựa chọn chính sách của Việt Nam dù có thể đã được đánh giá, dự báo song vẫn ẩn chứa không ít bất ngờ với những góc nhìn đa chiều.
Quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed trong kỳ họp lần này cũng như trong các kỳ họp tiếp theo của năm 2024 sẽ khiến dư địa giảm lãi suất điều hành của Việt Nam ngày càng thu hẹp hơn bởi lẽ áp lực tỷ giá USD/VND gia tăng.
Cụ thể, thực tế việc lãi suất USD duy trì mức cao khiến sức mạnh đồng đôla trên thị trường quốc tế hồi phục khá mạnh. Chỉ số DXY-Index đã tăng 2,07% trong tháng 1/2024 so với cuối năm 2023 khiến tỷ giá USD/VND tăng 0,58% so với cuối năm 2023 và tăng 4,09% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, chênh lệch lãi suất tạo sức ép lớn với khả năng thu hút và giữ chân dòng vốn ngoại của Việt Nam. Cụ thể, dù Việt Nam là thị trường thu hút FDI hàng đầu khu vực và thế giới song dòng vốn FDI vẫn có khả năng quay trở lại các thị trường phát triển nếu chênh lệch lãi suất quốc tế và trong nước quá cao.
Thực tế khối ngoại đã bán ròng 23.400 tỷ đồng, gần 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực ghi nhận sự mua ròng như Hàn Quốc 10,1 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 6,5 tỷ USD, một phần nguyên nhân cũng bắt nguồn từ lợi suất đầu tư.
Thêm vào đó, việc giảm lãi suất điều hành dẫn đến khả năng giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ, giảm sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Việt Nam so với mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ thế giới, nhất là khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Với kịch bản tích cực, nếu Fed giảm lãi suất từ cuối quý 2/2024 và tiếp tục hạ lãi suất 3-4 lần trong năm 2024 với mức giảm 0,75-1 điểm % thì chênh lệch lãi suất VND-USD dần trở về ở mức dương và áp lực tỷ giá USD/VND giảm, chính sách tiền tệ Việt Nam và Mỹ có khả năng “đồng pha” trong trạng thái nới lỏng, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sau 4 lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành năm 2023 và thực tế mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đã ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm, dư địa giảm lãi suất điều hành và lãi suất thực trong kịch bản này cũng sẽ không nhiều như kỳ vọng.
Tương tự, nếu với mức giảm chỉ 0,25-0,5 điểm % của lãi suất Fed, trạng thái đồng pha chính sách vẫn sẽ diễn ra, tuy nhiên, mức độ tích cực với nền kinh tế sẽ kém hơn nhất là trong điều kiện áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và bất ổn gia tăng.
Trên góc độ khác, với sự linh hoạt và chủ động, Việt Nam có thể “đi trước, đón đầu” đà giảm lãi suất của Mỹ và của nhiều ngân hàng trung ương thế giới thông qua động thái giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, xác suất giảm thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024 theo đánh giá ở mức thấp (có thể dưới 50%) bởi 5 yếu tố.
Một là mặt bằng lãi suất đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm, thấp hơn giai đoạn năm 2020-2021-giai đoạn lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hai là mức giảm mạnh lãi suất huy động khiến sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm giảm và dòng tiền có thể phân tán vào các kênh đầu tư rủi ro khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền ảo.
Ba là áp lực tỷ giá USD/VND vẫn ở mức cao do nguy cơ biến động DXY-Index và chênh lệch âm sâu giữa lãi suất liên ngân hàng VND và USD thách thức đà giảm lãi suất.
Bốn là áp lực lạm phát cao hơn năm 2023 ở mức 3,5-4% do cả áp lực chi phí đẩy và cầu kéo (đà giảm giá cả hàng hóa thế giới chững lại thậm chí tăng trở lại, tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, tín dụng tăng cao hơn ở mức 14-15%, cao hơn mức 13,71% năm 2023) khiến lãi suất khó duy trì mức thấp.
Năm là hiệu ứng hạ lãi suất năm 2023 vẫn cần thêm thời gian để thẩm thấu, tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tính đến mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa lãi suất trong nước và lãi suất thế giới, việc quan sát, theo dõi chặt chẽ về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ giúp sự lựa chọn chính sách điều hành của Việt Nam phù hợp và hiệu quả hơn.
Ngược dòng lịch sử, cần khẳng định giai đoạn 2023-2024 không phải là lần đầu tiên chính sách tiền tệ của Mỹ và Việt Nam có sự “lệch pha," kể cả trong giai đoạn nền kinh tế vận hành bình thường hay trong giai đoạn khó khăn, căng thẳng.
Giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, Fed liên tục cắt giảm lãi suất điều hành kể từ quý 1/2008 - thời điểm bắt đầu có các dấu hiệu của khủng hoảng tài chính trong khi Việt Nam vẫn tăng lãi suất cơ bản trong 3 quý đầu năm 2008 lên mức cao nhất lịch sử 14% sau đó mới giảm dần từ quý 4/2008 khi bất ổn tài chính đã lan rộng toàn cầu.
Năm 2015-2018, Fed liên tục tăng lãi suất (sau khi giữ ổn định ở mức thấp 0-0,25% trong giai đoạn 5 năm 2009-2014) thì Việt Nam lại có xu hướng giữ ổn định và giảm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, một điểm thú vị xu hướng ngược chiều chính sách giữa Mỹ và Việt Nam thường không kéo dài quá lâu, đặc biệt trong các giai đoạn cả hai nền kinh tế đang hướng đến một mục tiêu chung chẳng hạn như chống dịch COVID-19 hay giai đoạn hiện nay là“thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."
Có lẽ “mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” đặt lện hàng đầu trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ sẽ là lời giải rõ hơn cho động thái chính sách của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, việc đánh giá, theo dõi chặt chẽ động thái chính sách của Fed cũng như các ngân hàng trung ương thế giới sẽ góp phần tăng hiệu quả lựa chọn chính sách của Việt Nam./.
Theo TTXVN/Vietnam+