Rác thải nhựa chỉ mất vài giây để vứt bỏ nhưng lại cần ít nhất 500 - 1.000 năm mới phân hủy hết. Những núi rác thải nhựa đang trở thành mối lo lắng của cả thế giới khi ô nhiễm môi trường đạt ngưỡng báo động. Gạch sinh thái - cái tên giờ đây đã quen thuộc ở Việt Nam, nhất là với các bạn trẻ thông qua những dự án ý nghĩa nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Với chủ đề: “Chung tay bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa”, chúng tôi muốn tạo sân chơi sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên (HSSV). Qua đó đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ trong đoàn viên, thanh niên của trường, góp phần bảo vệ môi trường và phòng, chống rác thải nhựa. Khi làm được 3 viên gạch sinh thái (trọng lượng 150gr), sinh viên sẽ đổi được 1 chai nước bằng thủy tinh; 5 viên gạch sinh thái sẽ đổi được 1 ly nước bằng sứ và 8 viên gạch sinh thái sẽ đổi được 1 bình nước uống giữ nhiệt. Mỗi quà tặng đều nhằm mục đích khích lệ, khuyến khích HSSV của trường tham gia. Chúng tôi mong muốn các bạn HSSV nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng vật liệu bằng nhựa trong sinh hoạt hàng ngày!”- Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề An Giang Nguyễn Văn Phong cho biết.
Viên gạch sinh thái là cách tái chế nhựa và ny-lon dùng 1 lần bằng việc đem đi rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhồi thật chặt vào những chai nhựa khô ráo, sao cho đủ cứng để chúng trở thành vật liệu làm đồ nội thất, bồn cây, hàng rào, thùng đựng rác... Thay vì vứt túi ny-lon, hộp xốp, ống hút, vỏ bánh kẹo bừa bãi ra đường, việc gom rác khó phân hủy vừa kể trên về một mối để tạo nên viên gạch sinh thái thân thiện môi trường là một trong những cách sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Không dừng lại ở làm gạch sinh thái, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang còn chế tạo thùng đựng rác từ các viên gạch sinh thái do mình làm ra. Sau khi hoàn thành, các thùng đựng rác sẽ được đặt ở các khoa, góc sân trường để nhắc nhở HSSV bỏ rác đúng nơi quy định cũng như nâng cao ý thức phòng, chống rác thải nhựa.
“Em và các bạn đã đổi được rất nhiều chai uống nước bằng thủy tinh khi làm viên gạch sinh thái. Với chúng em, có quà sẽ làm mình vui và hào hứng. Song, nguyên nhân thôi thúc chúng em tham gia cuộc thi làm gạch tái chế này là vì ý nghĩa và mục đích bảo vệ môi trường. Bởi, sự khó phân hủy của rác thải nhựa mà khi chúng bị vứt lung tung trên đất, ao hồ hay sông suối là mối nguy hại rất lớn cho hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Để gom đủ được gạch sinh thái làm thành 2 thùng rác to, em và các bạn mất gần cả tuần để thu gom rác thải nhựa, bọc ny-lon. Ngoài thu gom rác thải nhựa trên đường về nhà, quán ăn, em còn thu gom ở gia đình mình. Bên cạnh việc gom rác ny-lon, em cũng chia sẻ với gia đình về ảnh hưởng của chúng để hạn chế thấp nhất việc sử dụng. Bởi, có lẽ chẳng ai muốn lúc nào nhà mình cũng chất đầy rác để rồi phải cất công đè nén làm gạch sinh thái cả!” - bạn Trần Hữu Trí (Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề An Giang) chia sẻ.
Làm viên gạch sinh thái thu hút nhiều sinh viên tham gia
Theo đó, vỏ bao bì, ống hút, túi ny-lon… được nhét vào trong chai càng nhiều càng tốt. Sau khi đã nhồi đầy chai nhựa 500ml, đem cân được khoảng 150-200gr là được 1 viên gạch sinh thái. Để viên gạch cứng cáp, không bị bục vỡ hoặc nấm mốc sinh sôi thì những nguyên liệu trên bắt buộc phải khô và sạch. “Việc nhồi rác thải nhựa vào chai cũng cần có kỹ thuật vì đối với những nguyên liệu cứng và to thì nên cắt nhỏ chúng ra. Phần đáy chai nên nhồi ny-lon mềm hoặc vật liệu dễ vò, đây là phương pháp khả thi để không khí không bị lọt vào trong chai nhựa. Vật liệu đưa vào chai chèn đến đâu, bóp thử đến đó nếu thấy cứng và chặt tay là được. Em đã làm khá nhiều viên gạch sinh thái để tận dụng làm vật dụng trong gia đình như: chậu hoa, thùng đựng rác. Vì thế, khi được trường phát động cuộc thi, em rất hào hứng” - Phan Minh Phú (sinh viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang) bày tỏ.
Những viên gạch độc đáo được làm hoàn toàn từ ny-lon và vỏ chai nhựa vô cùng đơn giản là có thể tái sử dụng. Quan trọng hơn, chúng ta có thể thu gom rác thải bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN