Khai thác tài nguyên bản địa
Tri Tôn là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (60.039,74ha) nhưng dân số ít (134.713 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm khoảng 34%), còn nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.
Trên địa bàn huyện có một số sản phẩm truyền thống độc đáo, như: Các sản phẩm làm từ thốt nốt, trái chúc, đinh lăng, bánh phồng mì, gạo, cây ăn trái đặc sản vùng Bảy Núi, lúa mùa nổi… Những sản phẩm này có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương gắn với DL, nhưng phần lớn chưa khai thác được hết giá trị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, huyện xác định Chương trình OCOP là cơ hội phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm, là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, cùng với ban hành Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, đặc biệt là các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trong công tác rà soát, đề xuất sản phẩm tiềm năng tại địa phương; hỗ trợ các chủ thể sản xuất trong công tác chuẩn hóa hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp huyện trước khi đề xuất cấp tỉnh.
Tri Tôn có nhiều sản phẩm đặc sản
Đợt I/2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Tri Tôn đã tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 5 sản phẩm OCOP của 3 chủ thể, gồm: Rượu gạo Công Chuẩn của Cơ sở sản xuất rượu gạo Công Chuẩn (xã Lạc Quới); nhãn Ido của Chi hội nghề nghiệp sản xuất nhãn Ido (xã Tân Tuyến); các sản phẩm mật thốt nốt bột, mật thốt nốt hạt và mật thốt nốt sệt của Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn).
Đến nay, huyện Tri Tôn có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao (nhãn Ido và rượu gạo Công Chuẩn). Huyện đang hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh đánh giá, phân hạng đối với 3 sản phẩm được đánh giá trên mức 3 sao (mật thốt nốt dạng sệt, dạng bột và dạng hạt của Công ty Cổ phần Palmania).
Cùng với các sản phẩm khai thác từ thốt nốt, trái chúc được công nhận sản phẩm OCOP trước đó, các sản phẩm mới tiếp tục sử dụng nguyên liệu sẵn có, phát huy thế mạnh đặc sản địa phương, khả năng gắn kết tốt với sản phẩm DL Tri Tôn.
Còn nhiều tiềm năng
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí, để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng mang đậm nét hương vị của vùng. Năm 2023, Tri Tôn phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm các sản phẩm, như: Mật thốt nốt, tinh dầu chúc, bánh phồng mì, cốm dẹp, các sản phẩm từ cây ăn trái (chanh không hạt, nhãn, xoài, bơ, dâu, sầu riêng núi Dài…).
Huyện đang chuẩn bị xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và điểm thông tin DL của huyện. Tới đây, Tri Tôn sẽ tổ chức sự kiện về gian hàng, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện, đồng thời đưa các sản phẩm vào các khu, điểm DL trên địa bàn huyện.
Tiềm năng có nhiều nhưng Tri Tôn vẫn còn gặp một số khó khăn trong nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, do các sản phẩm được sinh ra từ văn hóa truyền thống, ngành nghề nông thôn nên đa phần có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, mẫu mã, bao bì, đóng gói, thiết kế còn đơn điệu, chưa đạt chuẩn. Một số sản phẩm như trái cây tươi chưa được áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, nên bảo quản không được lâu, chưa gia tăng giá trị của sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp.
Một số sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của huyện, như: Cốm dẹp Ô Lâm, chao Ba Chúc chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Qua khảo sát, đánh giá, các sản phẩm của người dân nơi đây chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, nhỏ lẻ, manh mún, quy mô sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài.
“Phần lớn cán bộ quản lý của huyện và xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng, chuẩn hóa hồ sơ tham gia Chương trình OCOP đôi khi chưa kịp thời. Do vậy, tỉnh cần xem xét, tạo điều kiện cho một số đơn vị tư vấn có chuyên môn để tư vấn, xây dựng hồ sơ cho các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP của huyện.
Các sở, ngành tăng cường phối hợp với huyện, hỗ trợ các chủ thể phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, vùng nguyên liệu và các chính sách hỗ trợ khác để khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, sàn giao dịch OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm OCOP hoàn chỉnh…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí đề xuất.
NGÔ CHUẨN