Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: TTXVN
Nguy cơ dịch chồng dịch vẫn còn
Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu giảm, nhất là miền Bắc đã bước vào mùa lạnh, các đợt rét đậm, nhiệt độ giảm sâu đã hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, giảm sự lây lan; tại miền Trung và miền Nam cũng đã sắp hết mùa mưa.
Tuy dịch có dấu hiệu “giảm nhiệt”, nhưng số ca mắc vẫn cao, còn nhiều ổ dịch hoạt động, tức là vẫn có nguy cơ lây lan.
Đơn cử như tại An Giang, theo Sở Y tế tỉnh An Giang, bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến ngày 26/12, An Giang đã ghi nhận khoảng 16.300 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 561% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Bình Thuận, hiện mùa mưa đã sắp kết thúc, nhưng các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn tiếp nhận số lượng lớn các ca mắc sốt xuất huyết mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 10.630 ca mắc sốt xuất huyết ở mọi lứa tuổi, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lo ngại, dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; dự báo, tình hình sốt xuất huyết sẽ vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao trên địa bàn trong thời gian tới.
Hay tại Hà Nội, trong tuần giữa tháng 12, Hà Nội ghi nhận trên 1.100 ca mắc, thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Tuy số ca mắc đã giảm so với giai đoạn cao điểm, nhưng vẫn còn khá cao và trải dài trên địa bàn rộng tại 30 quận, huyện, thị xã. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Bên cạnh dịch sốt xuất huyết vẫn còn căng, nhiều bệnh truyền nhiễm cũng đang có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Tại An Giang, bên cạnh dịch sốt xuất huyết cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng gia tăng đột biến. Từ đầu năm đến nay, An Giang đã ghi nhận 3.722 ca mắc tay chân miệng, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2021, không có ca tử vong.
Tại TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận số trẻ em mắc viêm màng não đang gia tăng. Các chuyên gia nhận định số trẻ mắc viêm màng não sẽ tiếp tục tăng từ giờ tới các tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày; nhiều ca nặng phải thở oxy và vẫn ghi nhận rải rác ca tử vong do COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương vẫn đang được kiểm soát; tuy nhiên dự báo dịch vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong khi đó, hiện đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài), dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, dịch Adenovirus vẫn đang lưu hành…
Theo đó, Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Nhất là giai đoạn giao mùa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Sắp tới là các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh.
Chủ động, không chủ quan
Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa lạnh với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dự báo số mắc sốt xuất sẽ giảm dần trong thời gian tới. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn phải tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy. Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai những hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết 2023.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm chủng phòng COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19. Đồng thời, tập trung tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để người dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân, và các biện pháp khác", trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vaccine và ý thức người dân.
Theo Báo Tin Tức