Gặp nhà văn đạt giải “Văn học tuổi 20”

01/07/2022 - 02:24

 - Vượt qua 511 tác phẩm văn học trên cả nước, nhà văn Lê Quang Trạng (sinh năm 1996, quê ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã xuất sắc đạt giải 3 cuộc thi “Văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản trẻ tổ chức, với tác phẩm "Vệt sáng của bụi". Đây là “bệ phóng” để ngòi bút trẻ Quang Trạng tiếp tục góp sức cho văn đàn tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung, góp phần “xây đời” bằng nghệ thuật văn chương.

Trở về An Giang sau khi cầm trên tay chiếc cúp của giải thưởng “Văn học tuổi 20”, tác giả trẻ Lê Quang Trạng bộc bạch: “Tôi biết đến cuộc thi này từ khi tuổi mới lớn, lúc vừa tập tành viết lách nhưng phải đến khi có vài đầu sách xuất bản tôi mới tự tin gửi tác phẩm tham dự. Thông qua sân chơi này, tôi tiếp cận nhiều tác phẩm hay và học hỏi được nhiều bạn đồng trang lứa để phát triển sự nghiệp sáng tác. “Văn học tuổi 20” từng là bệ phóng của nhiều cây bút trẻ và bây giờ đến thế hệ chúng tôi”.

“Là một nhà văn, chúng ta phải có một độ rung cảm và biết nuôi dưỡng cảm xúc từ những điều nhỏ nhặt và bình dị nhất, đó chính là những chất liệu để khái quát thành những bài học nhân sinh quý giá, qua đó gửi gắm những triết lý về cuộc đời, về giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng bản sắc và văn hóa vùng đất, địa phương, con người Việt Nam”- nhà văn trẻ Lê Quang Trạng chia sẻ.

Những cảm xúc ấy được gieo mầm từ một người thầy những năm học cấp 2, Quang Trạng chia sẻ: “Niềm đam mê văn chương của tôi được khơi gợi từ thầy Đỗ Viết Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Luông ngày trước (nay là Trường THCS Nguyễn Quang Sáng). Thầy rất yêu thích viết văn và truyền cảm hứng, niềm đam mê sang tôi lúc nào không biết.

Thế rồi năm 2011, tôi cũng làm được ít bài thơ, viết ít tản văn cộng tác với Tạp chí Thất Sơn, tham gia sinh hoạt tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đến năm 2014, ngay khi tỉnh phát động Cuộc thi quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi đã mạnh dạn tham gia và may mắn nhận được giải B với tác phẩm “Khi đại ca làm việc nghĩa” ở thể loại bút ký”.

Những năm tháng trên giảng đường đại học, Quang Trạng tiếp tục rèn luyện ngòi bút của mình thông qua các tin, bài phản ánh, gương sinh viên học tốt, tản văn tuổi mộng mơ trên Báo sinh viên điện tử E-news của Trường Đại học An Giang, các bài viết về đời sống, văn hóa - xã hội trên Báo Người Lao Động, Báo Tuổi Trẻ.

Chính những năm tháng ấy, cậu sinh viên không những nhận được thù lao đủ trang trải chi phí sinh hoạt, học tập mà còn tích lũy nhiều kinh nghiệm viết lách ở các thể loại văn chương, báo chí. Những ngày mới ra trường, khi chưa có việc làm, Quang Trạng mạnh dạn dùng xe gắn máy đi “phượt” khắp ĐBSCL để khám phá, trải nghiệm vùng đất mới, tìm hiểu về con người mới, những nét văn hóa bản địa đặc sắc.

Đồng thời, chịu khó đọc nhiều sách, gặp gỡ giao lưu học tập từ những nhà văn thành công đi trước, như: Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Dương Thụy, Trần Thị Hồng Hạnh… Từ đó, tác giả Lê Quang Trạng liên tục có những tác phẩm hay, như: Tập truyện ngắn “Dòng sông không trôi” năm 2016, tập thơ “Áp tay vào đất” năm 2017, truyện dài “Thủ lĩnh băng vịt đồng” năm 2018 và được tái bản vào năm 2019…

Từ quá trình rèn luyện và trưởng thành qua hơn 10 năm viết lách, tác giả Lê Quang Trạng đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương trong tỉnh, khu vực và trên cả nước. Đó là giải tư Cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017, cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018 - 2019, cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2015 - 2017, giải thưởng tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016, giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI (2016-2020)…

Với những thành tích đạt được, mới đây, nhà văn Lê Quang Trạng đã chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (sinh hoạt tại Chi hội nhà văn Việt Nam tại An Giang).

 “Vừa được kết nạp trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nay tôi lại được tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng, đây là niềm vinh dự sau nhiều năm gắn bó với nghề. Từ đây, đã mở ra nhiều cơ hội để tôi được học tập, trải nghiệm nhiều hơn nữa để có những tác phẩm sâu sắc, đắt giá hơn để phục vụ độc giả.

Tôi sẽ phải “sống kỹ”, đào sâu vào “vùng đất” của riêng mình, phản ánh đa dạng, khéo léo về nhiều vấn đề xã hội đang trăn trở hiện nay, như: Sự thay đổi về vùng đất, văn hóa, con người vùng ĐBSCL, biến đổi khí hậu, sự phát triển của công nghệ thông tin tác động đến đời sống xã hội và từng gia đình, những đổi thay của vùng Tứ giác Long Xuyên, về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên vùng đất An Giang…”- nhà văn Lê Quang Trạng chia sẻ đầy tâm huyết.

TRÚC PHA

 

Liên kết hữu ích