Gặt hái “quả ngọt” trên đất cù lao

23/01/2020 - 04:39

 - Bức tranh kinh tế của huyện Phú Tân (An Giang) năm 2019 được khắc họa nhiều nét mới tươi sáng. Tập trung cho chủ đề “Năm nông nghiệp”, với tinh thần đoàn kết, phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Tân đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Đặc biệt, ở lĩnh vực nông nghiệp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm của người dân giúp mang lại hiệu quả kinh tế.

Hoàn thành chỉ tiêu quan trọng

Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung cho biết, đến cuối năm 2019, huyện đã đạt cơ bản 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội của cả nhiệm kỳ. Điển hình như việc nâng chất kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp, chỉnh trang đô thị; sắp xếp bộ máy, nội chính… ban hành sớm các nghị quyết, kế hoạch về giáo dục, văn hóa, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh.

Xác định tiềm năng, thế mạnh lâu dài của huyện vẫn là sản xuất nông nghiệp, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo với nhiều quyết sách năng động, đột phá trong kinh tế. Nông nghiệp đã có bước chuyển dịch mạnh từ thế độc canh cây nếp sang rau màu, cây ăn trái nhằm đa dạng hóa cây trồng.

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Phú Tân còn ban hành Nghị quyết 11 và Nghị quyết 12 của Huyện ủy. Cụ thể hóa Nghị quyết 11, năm nay là năm đầu tiên huyện thí điểm sản xuất “2 năm, 5 vụ” và xả lũ 50% diện tích sản xuất, được sự đồng thuận của dân rất tốt.

Chủ trương này nhằm thay đổi truyền thống sản xuất “3 năm, 8 vụ”, đem lại hiệu quả tái tạo nguồn lợi thủy sản cho người dân khai thác trong mùa lũ, đồng thời điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nếp, khắc phục những ảnh hưởng về dịch bệnh, năng suất, giá cả.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng theo nội dung Nghị quyết 11 cũng được người dân hưởng ứng với diện tích tăng theo hàng tháng. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi gần 400ha, theo kế hoạch đến năm 2020 chuyển đổi 1.000ha là hoàn toàn khả thi.

Vụ nếp trúng mùa, được giá

Đối với Nghị quyết 12, Phú Tân tập trung xây dựng các công trình trọng điểm đến năm 2020; xác định địa bàn, nhóm lĩnh vực trọng tâm trong đầu tư xây dựng nhằm khai phá tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, huyện ưu tiên công trình các xã nông thôn mới, phát triển đô thị. Đến cuối 2019, đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là 7/7 xã, đồng thời chỉnh trang, nâng cấp 2 đô thị là thị trấn Phú Mỹ và thị trấn Chợ Vàm.

Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó rất quan tâm cơ sở hạ tầng giao thông, khẩn trương thi công đường K16 hoàn thành trước Tết Nguyên đán nối liền Tỉnh lộ 951 và Tỉnh lộ 954. Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tập trung triển khai chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp với khối lượng công việc cao, nhiều yêu cầu đặt ra. Tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, đến nay huyện đã hoàn thành các công việc theo mốc thời gian, xác định đơn vị đại hội điểm đối với ấp, chi bộ dưới cơ sở.

Nhân dân đón Tết phấn khởi

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân (1ha/năm) được ghi nhận đạt bình quân tăng từ 161,3 triệu đồng năm 2015 lên 205,3 triệu đồng năm 2019. Kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp được quan tâm củng cố, nâng chất. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản được tập trung nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, chăn nuôi - thủy sản tiếp tục có bước chuyển biến dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả. So với các vụ trước, vụ thu hoạch nếp thu đông năm nay đem lại niềm vui cho bà con bởi “trúng mùa, được giá”. Với 50% diện tích đã được xả lũ, bồi lắng phù sa, nông dân tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, kỳ vọng sẽ tiếp tục được mùa bội thu.

Thu hoạch trái cây ở xứ nếp

Dịp Tết năm nay còn ý nghĩa đối với nhiều nông dân trồng cây ăn trái, bởi là vụ đầu tiên bà con thu hoạch các loại trái phục vụ thị trường cuối năm. Đây là những vườn cây ăn trái tiên phong chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả từ sự vận động của địa phương.

Sau 3 năm chăm sóc, 900 gốc bưởi da xanh của ông Nguyễn Phú Bình (xã Bình Thạnh Đông) cho sản lượng thu hoạch trên 1 tấn, đem về khoảng 100 triệu đồng. Nông dân Phan Văn Rành (xã Phú Thọ) chuyển 6.400m đất trồng lúa, nếp sang trồng 700 gốc cam, quýt nay cũng bắt đầu “hái ra tiền” gần 100 triệu đồng/vụ.

Không chỉ mạnh dạn trong đổi mới cách làm nông nghiệp, nông dân còn quan tâm đầu tư công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào các khâu chăm sóc giúp giảm chi phí, sức người, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc như: mô hình sản xuất và chế biến dâu tằm của nông dân Trần Văn Cượng (xã Phú Hưng), mô hình nuôi và chế biến cá nàng hai của nông dân Nguyễn Thanh Tùng (xã Phú Bình) với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Các mô hình nông nghiệp mới kết hợp kinh doanh dịch vụ tạo điểm sáng tích cực

Đón xuân Canh Tý 2020, các cấp,  ngành, đoàn thể huyện Phú Tân đã vận động các nguồn cùng chung tay chăm lo cho hộ nghèo để niềm vui năm mới san sẻ đều với mọi nhà.

Thực hiện phương châm “Vui xuân không quên người nghèo khó”, phát huy truyền thống tương thân tương ái, toàn huyện đã giúp đỡ cho hơn 1.500 hộ nghèo, trên 3.700 hộ cận nghèo và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ổn định trong cuộc sống, nhận những xuất quà Tết ấm lòng.

Niềm vui đón xuân trong mỗi nhà chan hòa với những thành quả chung gặt hái được từ sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân góp thêm khí thế phấn khởi cho vùng quê cù lao tiếp tục thắp lên những kỳ vọng mới.

MỸ HẠNH