Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu có thể tăng cao hơn, ở mức từ 200 – 300 đồng/lít.
Giá xăng dầu dự báo tăng nhẹ
Trả lời VTC News, bà Phùng Thị Hồng, Giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu Hồng Minh (Đắk Lắk) cho biết, giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 79,87 USD/thùng, giảm 1,49 USD, tương đương 1,8%, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,47 USD, tương đương 1,9%, xuống mức 75,42 USD/thùng.
Tuy vậy, những phiên tăng liên tục trong tuần này đã đẩy giá dầu thô cả tuần tăng khoảng 2%. Do chịu tác động bởi giá dầu thô trên thế giới, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sau kỳ điều hành ngày 21/7 tới có thể tăng nhẹ.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước dự báo tăng nhẹ trong kỳ điều hành 21/7 tới.
“Cụ thể, giá xăng có thể tăng ở mức 150 - 200 đồng/lít, tương tự, giá các loại dầu được dự báo cũng sẽ tăng tương ứng ở mức 200 – 300 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu có thể tăng cao hơn, ở mức từ 200 – 300 đồng/lít”, bà Hồng nói.
Trong nước, ngày 16/7, giá xăng E5RON92 không cao hơn 20.419 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.497 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.616 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 18.320 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.288 đồng/kg.
Giá dầu thế giới tuần tới dự báo tăng nhẹ
Giá xăng dầu thị trường thế giới bất ngờ giảm nhiệt, mất mốc 80 USD/thùng, giảm gần 2% trong phiên cuối tuần.
Cụ thể giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 79,87 USD/thùng, giảm 1,49 USD, tương đương 1,8%, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,47 USD, tương đương 1,9%, xuống mức 75,42 USD/thùng.
Nhận xét về sự trượt dốc bất ngờ của giá dầu, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital, nói có vẻ như đây là một "hoạt động chốt lời", với một số lo ngại về nhu cầu đang quay trở lại và khi đồng USD lấy lại đà tăng. Chỉ số USD đã quay đầu tăng sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng trong phiên. Đồng USD mạnh hơn đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá xăng dầu quay đầu lao dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần (Ảnh minh họa: Foxbusiness).
Tuy nhiên, một số dự báo cho thấy, trong tuần tới, đà tăng của giá dầu có thể tiếp tục bởi các yếu tố hỗ trợ giá như lạm phát tại Mỹ giảm, kế hoạch bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, việc cắt giảm và gián đoạn nguồn cung trên thị trường thế giới.
"Mặc dù giá dầu có khả năng bị mua quá mức một chút trong thời gian ngắn, chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, xu hướng cao vẫn thiên về đà tăng”, một chuyên gia đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management cho biết.
Trong một diễn biến khác, các nhà phân tích của Commerzbank cho biết thêm, xuất khẩu dầu của Nga cũng giảm đáng kể và nếu xu hướng này tiếp tục vào tuần tới, giá dầu có thể bị đẩy lên cao do xuất khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Nhận xét về giá dầu tuần tới, Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management cho biết: "Đà tăng của giá dầu có thể tiếp tục trở lại bởi các yếu tố hỗ trợ giá như lạm phát tại Mỹ giảm, kế hoạch bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, việc cắt giảm và gián đoạn nguồn cung trên thị trường thế giới".
Theo PHẠM DUY (VTC News)