Giá dầu châu Á chấm dứt đà tăng trong phiên giao dịch chiều 16/5

16/05/2022 - 18:45

Chiều 16/5, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,3% xuống 110,13 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1% xuống 109,39 USD/thùng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 16/5, chấm dứt đà tăng trước đó giữa bối cảnh giới đầu tư bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh trong phiên trước đó. Thị trường hiện đang bị "che phủ" bởi lo ngại về nguồn cung khi Liên minh châu Âu chuẩn bị lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu thô của Nga và sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng hạn chế.

Chiều 16/5, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,42 USD/thùng (1,3%) xuống 110,13 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,10 USD/thùng (1%) xuống 109,39 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng khoảng 4% trong phiên cuối tuần qua.

Ông Naohiro Niimura, một đối tác của công ty tư vấn hàng hóa Nhật Bản Market Risk Advisory, cho biết: “Giới đầu tư bán chốt lời sau khi giá dầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua.

Tuy nhiên, với kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) và sản lượng OPEC tăng chậm, giá dầu mỏ dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện nay gần 110 USD/thùng cho đến khi hạ thấp vào cuối năm nay do nhu cầu toàn cầu yếu đi.”

Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu đồng ý một lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga trong tháng Năm này, bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu.

Tuần trước, Nga áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số công ty năng lượng châu Âu, gây ra lo ngại về nguồn cung.

Về nguồn cung, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần tính đến ngày 13/5 đã bổ sung các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ tám liên tiếp do giá tăng và chính phủ đẩy mạnh hoạt động khoan dầu trở lại.

Báo cáo hàng tháng mới đây của OPEC cho thấy sản lượng của khối này trong tháng Tư đã tăng 153.000 thùng/ngày lên 28,65 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức tăng 254.000 thùng/ngày mà OPEC được phép theo thỏa thuận với các đối tác (OPEC+).

Ngoài ra, sản lượng tinh chế dầu thô của Trung Quốc trong tháng Tư giảm hơn 11% so với cùng năm trước, với sản lượng hàng ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, do các nhà máy lọc dầu cắt giảm hoạt động khi nhu cầu giảm thấp bởi các lệnh phong tỏa ngừa COVID-19 trên diện rộng.

Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Tư lần lượt giảm 11,1% và 2,9%, bởi các lệnh phong tỏa ngừa dịch bệnh tác động xấu đến tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm. Đồng thời, dịch bệnh làm tăng thêm lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể suy giảm trong quý 2 năm nay.

Theo HÀ CHUNG (TTXVN)