Chiều 11/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Chín Luật bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt.Chủ trì buổi họp báo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quốc Hùng.
Cùng chủ trì có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh, Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Quốc Hùng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa
Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 6 chương, 51 điều. Việc xây dựng Luật nhằm hình thành hành lang pháp lý chuyên ngành, bảo đảm có chính sách ưu đãi đủ mạnh, vượt trội phát triển ngành công nghiệp công nghệ số - một trong những lĩnh vực công nghiệp đặc thù, nền tảng; đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược và một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có thế mạnh như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành một luật riêng về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Lần đầu tiên, các khái niệm mới như công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số… được định danh trong một văn bản luật. Luật bao gồm đầy đủ quy định, ưu đãi, hỗ trợ cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gồm 3 điều. Luật đã bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm thay cho tiền kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo sự tương thích giữa quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm 3 điều; đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn như chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro; quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro; quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, lần đầu tiên Luật xác lập khung pháp lý về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), là hệ sinh thái bao gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhân), kiểm tra và xây dựng chính sách.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Đây là hạ tầng kỹ thuật của quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ toàn cầu.
Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan kiểm tra chất lượng, hải quan, truy xuất nguồn gốc, phản ánh người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế để nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo sớm. Ba Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Đột phá thể chế cho ngành đường sắt, năng lượng nguyên tử và khoa học công nghệ
Luật Đường sắt gồm 4 chương, 59 điều. Luật có những quy định mới, mang tính “đột phá” cho đầu tư phát triển đường sắt, trong đó đẩy mạnh phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và từ Chính phủ, Bộ cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt địa phương.
Việc ban hành Luật Đường sắt nhằm để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là "bộ tứ chiến lược" nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghiệp và vận tải đường sắt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn đầu tư phát triển, kinh doanh vận tải đường sắt thời gian vừa qua.
Luật Năng lượng nguyên tử năm 2025 gồm 8 chương, 73 điều; bám sát 4 chính sách là thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân. Theo đó, Luật đã quy định về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân; nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân; thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 7 chương, 73 điều; tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Hoàn thiện pháp luật về gìn giữ hòa bình, dữ liệu cá nhân và tổ chức tín dụng:
Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 5 chương, 27 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Luật quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: lực lượng vũ trang, lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức). Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ngày 27/5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 3 điều; được xây dựng và ban hành trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
Việc sửa đổi thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đảm bảo thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, góp phần giữ vững an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, Luật quy định về điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, để bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để cho Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng thông qua cho vay đặc biệt; quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; quy định về kê biên tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 5 chương, 39 điều; được xây dựng nhằm hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó là quyền xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa, yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý, hay phản đối xử lý dữ liệu cá nhân. Khi quyền lợi bị xâm phạm chủ thể dữ liệu cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026./.