Thị trường Mỹ và châu Âu sẽ đóng cửa giao dịch trong phiên hôm nay nhân ngày lễ Good Friday (thứ sáu tốt lành). Giới đầu tư thường hạn chế mở mới vị thế trước kỳ nghỉ lễ, dẫn đến việc giá trị giao dịch toàn Sở giảm mạnh trong phiên hôm qua về mức 3.600 tỷ đồng.
Giá dầu tiếp tục tăng khi EU cân nhắc khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 2,59% lên 106,95 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,68% lên 111,7 USD/thùng.
Dầu thô chịu sức ép trong phiên sáng trước các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc. Số ca nhiễm Covid-19 tăng lên 30.000, ghi nhận lần đầu tiên kể từ khi dịch xuất hiện, gây ra sức ép lên nền kinh tế nước này, nhất là khi chiến dịch “zero-Covid” vẫn đang được áp dụng.
Trong khi đó, các số liệu của Bloomberg cho thấy số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 3 đều tiêu cực hơn kỳ vọng, đặc biệt khi nhiều cảng biển và thành phố phải đóng cửa trong tháng trước. Cụ thể, nhập khẩu giảm 0,1% lần đầu tiên sau gần 2 năm trong khi xuất khẩu tăng 14,7%, thấp hơn mức 16,3% trong 2 tháng đầu năm.
Theo một số nhà phân tích nhận định, thông lượng của các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc có thể sẽ giảm đến 6% trong tháng này, để tránh tồn kho tăng cao khi mà nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh.
Tuy vậy, dầu nhanh chóng lấy lại đà tăng, sau khi Thời báo The New York Times cho biết châu Âu đang chuẩn bị dự thảo nhằm cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Đây là một biện pháp mà EU đã tránh thiết lập sau 5 vòng cấm vận, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2. Tuy nhiên, khả năng lệnh cấm này được thiết lập cho toàn bộ 27 thành viên vẫn chưa quá chắc chắn, đặc biệt khi một số nước như Đức và Hungary phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Dù vậy, nhiều công ty thương mại đã cho biết họ sẽ dần cắt giảm các đơn hàng năng lượng từ Nga từ ngày 15/5 để tránh các rủi ro nếu lệnh cấm vận được thiết lập. Bên cạnh đó, việc Mỹ nhắm vào ngành tài chính của Nga đã khiến cho việc tìm kiếm nguồn vốn và mua bảo hiểm cho các hợp đồng từ Nga trở nên khó khăn đáng kể.
Cùng ngày, Nga cho biết họ sẽ hạn chế dần độ tiếp cận đối với ngành dầu khí của nước này, và đẩy mạnh thị trường sang khách hàng châu Á.
Dầu đậu tương hưởng lợi từ giá dầu thô thế giới và dầu cọ Malaysia
Trong nhóm dầu thực vật hiện nay, giá dầu đậu tương của Mỹ vẫn đang là thấp nhất. Nguồn cung dầu hướng dương sụt giảm ở khu vực Biển Đen, xuất khẩu ở Argentina bị gián đoạn do các hoạt động đình công của Hiệp hội Vận tải, trong khi Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu dầu cọ là các yếu tố chính hỗ trợ cho giá mặt hàng này.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các nhà xuất khẩu tư nhân của nước này đã bán 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong ngày hôm qua. Chất lượng đậu tương tại Argentina tiếp tục bị hạ dự báo, còn thu hoạch tại nước này bị trì hoãn do thiếu nhiên liệu, khiến người mua chuyển hướng trở lại với nguồn cung từ Mỹ, dù đây không phải giai đoạn bán hàng cao điểm.
Cũng trong Báo cáo bán hàng xuất khẩu phát hành hôm qua của USDA, bán hàng ngô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 7/4 đạt hơn 1,7 triệu tấn cho cả 2 niên vụ, tăng mạnh so với tuần trước đó. Chất lượng mùa vụ ngô tại Argentina cũng tiếp tục giảm, giúp cho giá ngô vẫn giữ được mức tăng gần 1%, bất chấp việc giá lúa mì suy yếu.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương của Mỹ (NOAA) cho biết, vùng đồng bằng phía bắc của Mỹ sẽ nhận được nhiều mưa hơn trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lúa mì vụ xuân hiện đang trong giai đoạn gieo trồng. Kỳ vọng vào sản lượng niên vụ tới và tâm lý chốt lời của giới đầu cơ trước khi nghỉ lễ là yếu tố chính gây sức ép lên giá các mặt hàng lúa mì trong phiên hôm qua.
Thị trường thức ăn chăn nuôi biến động khó lường sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào đối với thịt thành phẩm. Hiện nay, giá heo hơi vẫn đang nằm trong xu hướng tăng rải rác ở một số tỉnh thành, với mức tăng dao động khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Theo THƯƠNG MAI (Nhân Dân)