Giá trị liên kết cộng đồng - Sức mạnh của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại

08/09/2018 - 19:51

Trong lịch sử, liên kết cộng đồng thể hiện rõ qua tinh thần đoàn kết để bám trụ trước thiên nhiên, đoàn kết để chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai. Khi đất nước hòa bình, liên kết cộng đồng thể hiện trong hành động chung tay để xây dựng Tổ quốc và liên kết cộng đồng để trở thành giá trị cao đẹp của dân tộc ta, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: TTXVN

“Truyền thống là tập hợp những tư tưởng, tình cảm thói quen trong tư duy, trong lối sống và ứng xử của một cộng đồng nhất định được hình thành trong lịch sử và trở nên ổn định được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”(1). Truyền thống có vai trò điều tiết, kiểm soát hoạt động và tiến trình của đời sống xã hội; không phải là cái gì đó cố định vĩnh viễn, bất biến mà nó có thể được cải thiện bổ sung và phát triển qua thời gian; là yếu tố di tồn truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác, chi phối hành vi xã hội của cộng đồng người; truyền thống là truyền lại kinh nghiệm quá khứ cho các thế hệ mai sau… “Lịch sử chẳng qua chỉ là sự nối tiếp của những thế hệ riêng rẽ, trong đó, mỗi thế hệ đều khai thác những vật liệu tư bản, những lực lượng sản xuất do tất cả những thế hệ trước để lại, do đó mỗi thế hệ, một mặt, tiếp tục các hoạt động được truyền lại trong đó hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi”(2). Vai trò của truyền thống đối với quá trình vận động, phát triển của xã hội thể hiện ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của truyền thống ở chỗ, nó là yếu tố nội lực, là điểm tựa, là giá đỡ cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Mặt tiêu cực của truyền thống là nó có thể tạo ra sức ỳ, sự trì kéo làm chậm quá trình phát triển xã hội. Ở từng thời kỳ lịch sử khác nhau, giai cấp thống trị thường lợi dụng khai thác truyền thống để củng cố duy trì sự thống trị bền vững của giai cấp mình.

Mỗi quốc gia dân tộc có truyền thống của mình tùy theo điều kiện tự nhiên hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà nó có quá trình hình thành phát triển sớm muộn khác nhau. Quá trình hình thành, phát triển truyền thống dân tộc Việt Nam do sự tác động tổng hợp hằng xuyên của nhiều yếu tố: hoàn cảnh tự nhiên (hay còn gọi là đặc điểm địa lý), hoàn cảnh lịch sử, môi trường văn hóa khu vực. Trải qua bao thế hệ con người tiếp nói, truyền thống dân tộc Việt Nam được lưu truyền, vun đắp và phát triển ngày càng phong phú. Nó như động lực nội sinh tạo thành sức mạnh của cộng đồng người Việt không chỉ ở quá khứ mà cả trong hiện tại và tương lai.

Truyền thống liên kết cộng đồng được hình thành trước hết từ nhu cầu trong lao động, sản xuất. Đặc điểm về địa hình, khí hậu, tài nguyên, sinh thái Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn nhưng lại gây nhiều khó khăn, thách thức với con người. Do cuộc sống đầy nỗi bất trắc đã tạo ra sự liên kết của cộng đồng, mối liên kết cá nhân phụ thuộc vào cộng đồng dần dần trở thành tập tục có cơ sở kinh tế - xã hội, bảo đảm tạo nên sợi dây tinh thần nối giữa các cá nhân trong cộng đồng: gia đình - gia tộc - làng - nước. Người Việt Nam quan tâm rất nhiều đến quan hệ cộng đồng vì mọi hành vi của mỗi cá nhân được đánh giá tốt hay xấu, có hợp đạo lý, lẽ phải hay không đều dựa vào các chuẩn mực quy tắc được xây dựng lên từ cộng đồng.

Việt Nam là một quốc gia dân tộc hình thành sớm và có một nền văn hóa sớm phát triển. Những di chỉ của nền văn hóa Đông Sơn, đỉnh cao của nền văn hóa cổ của người Việt, đã có từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Sự lần lượt ra đời của nhà nước Văn Lang (khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên) và nhà nước Âu Lạc (thế kỷ thứ III trước Công nguyên) đã chứng tỏ người Việt sớm có một triết lý sống, một triết lý hành động cho mình trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược.

Việt Nam còn là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong suốt tiến trình lịch sử, các dân tộc luôn sát cánh bên nhau trong lao động sản xuất cũng như trong chiến đấu và chưa hề xảy ra những cuộc chiến tranh sắc tộc. Trước thiên tai và địch họa, các dân tộc lại càng đoàn kết với nhau hơn. Trong khi vẫn giữ những sắc thái riêng, văn hóa các dân tộc gia nhập vào nền văn hóa chung của một nước Việt Nam thống nhất, tạo nên sự đa dạng cả về trình độ phát triển lẫn hình thức biểu hiện của nó.

Do vị trí địa lý nằm giữa trục giao lưu Đông - Tây và Nam - Bắc, Việt Nam từ xưa đã chịu sự xâm nhập của nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ và sau này là nền văn minh phương Tây. Qua những lần tiếp xúc ấy, dân tộc ta không bị đồng hóa, không những giữ được bản sắc văn hóa của mình mà còn biết chọn lọc làm phong phú, giàu đẹp thêm, nhờ biết tiếp thu và cải biến các yếu tố bên ngoài phù hợp với giá trị cội nguồn của văn hóa dân tộc Việt Nam. Bài học lịch sử của ông cha ta là quá trình tiếp nhận các giá trị văn hóa ngoại sinh, ông cha ta không tiếp nhận cả hệ thống mà chọn lựa những giá trị nào phù hợp với tâm hồn, cốt cách Việt Nam. Quá trình tiếp nhận đã sắp xếp lại các bậc thang giá trị khác nhau, tiếp thu cải biến các hình thức mới để chuyển tải nội dung văn hóa dân tộc. Thực chất bài học lịch sử là ở chỗ, ông cha ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên tinh thần độc lập tự chủ cao, với lòng tự hào sâu sắc về những giá trị nền tảng của con người Việt Nam. Chính vì thế, có thể xem văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị bền vững do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhờ nền tảng văn hóa vững chắc và sức mạnh văn hóa to lớn đó mà dù phải chịu nhiều sự đô hộ cùng âm mưu đồng hóa, dân tộc ta vẫn giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc của mình, chẳng những không bị đồng hóa, mà còn quật cường đứng dậy giành lại độc lập dân tộc. Một nền văn hóa giàu sức sống của một dân tộc kiên cường như vậy hẳn phải chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa mang đậm cốt cách, diện mạo, tâm hồn của con người, của cộng đồng dân tộc đó.

Dân tộc Việt Nam có một di sản các giá trị văn hóa tinh thần vô cùng phong phú, thể hiện tâm hồn và cốt cách Việt Nam trong lối sống, lối ứng xử với tự nhiên, ứng xử giữa con người với con người. Đó là tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; tình thương yêu con người, tôn trọng cuộc sống con người và đề cao nhân phẩm con người; tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái, đức tính cần cù, tiết kiệm; tinh thần hiếu học, ham học hỏi, ham hiểu biết; khả năng sáng tạo, linh hoạt, thích ứng nhanh...

Trước hết, bao trùm và thấm đượm trong toàn bộ văn hóa dân tộc ta là tình thương yêu con người, tôn trọng cuộc sống con người và đề cao nhân phẩm con người. Con người là cái vốn quý giá nhất của gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng và đất nước. “Yếu tố con người - vì người” trở thành nền tảng và giá trị nhân bản tối ưu của bản sắc văn hóa Việt Nam. Những cuộc chống ngoại xâm của nhân dân ta đều không nằm ngoài mục đích bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quyền tự do của con người Việt Nam.

Chính tình thương yêu con người đã nâng đỡ cho tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc đã chứng tỏ rằng, lịch sử của chúng ta luôn là lịch sử của sự liên kết cộng đồng: Liên kết cộng đồng do phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống âm mưu đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc. Liên kết cộng đồng do phải thực hiện một phương thức sống đặc thù trong điều kiện của vùng địa lý nhiệt đới gió mùa, nhiều bão lũ, thiên tai... Liên kết cộng đồng để tạo sức mạnh mở mang bờ cõi. Và đặc biệt là liên kết cộng đồng trong lịch sử hiện đại để chống lại chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ nền văn hóa... Thật dễ hiểu tại sao ở người Việt, các giá trị cộng đồng lại dễ được ưu tiên so với các giá trị khác. Có thể đồng tình được với ý kiến của Giáo sư Phan Ngọc khi ông cho rằng, con người Việt Nam là con người bổn phận: anh ta nhận thức chính mình phải thực hiện bổn phận đối với Tổ quốc, gia đình và cộng đồng để được cộng đồng bảo đảm cho thân phận và tôn trọng diện mạo anh ta (3). Đề cao các giá trị cộng đồng, đặt cá nhân trong các quan hệ cộng đồng để nhìn nhận và ứng xử với hoàn cảnh sao cho bảo toàn được vị thế của mình và không làm tổn hại đến các quan hệ tốt đẹp với bên trong và bên ngoài cộng đồng, đó là phương thức ứng xử tối ưu của các cộng đồng dân tộc nằm ở vị trí giao lưu, gặp gỡ của các nền văn minh Đông - Tây. Do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, xây dựng những công trình thủy lợi đối với nền kinh tế nông nghiệp mà dần dần Nhà nước Văn lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ra đời vào khoảng 700 năm trước công nguyên. Trên cơ sở đó, ý thức cộng đồng dân tộc đã nảy nở tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái những người anh hùng, những ông tổ của các nghề, những người có công với dân với nước. Ý thức cộng đồng dân tộc được đặt trên một cơ sở chắc chắn - sự tích con rồng cháu tiên, sự tích về bọc trăm trứng, nhằm khẳng định một tổ tiên chung, một nguồn gốc chung của mọi người Việt Nam.

Việt Nam do những điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử tương đối đặc biệt, trên nền tảng phát triển về kinh tế - xã hội nhất định của các làng Việt thời Đông Sơn, nước Văn Lang ra đời như một đáp ứng khách quan nhu cầu liên kết của các làng xã trong công cuộc đắp đê trị thủy và chống xâm lấn. Ngay từ buổi đầu làng với nước đã gắn với nhau trong mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Cùng với những quan hệ cộng cư vốn có trong từng làng, đã hình thành nên sự liên kết giữa các làng và vì những lợi ích chung, mối quan hệ có tính bao trùm mà các nhà nghiên cứu gọi là “siêu làng” cũng dần được xác lập. Quan hệ “siêu làng” vốn tự nó đã hàm nghĩa liên kết, đoàn kết nhà/gia đình là cộng đồng gắn chặt với quyền lợi trực tiếp hằng ngày của mỗi người. Quan hệ cộng đồng làng xóm bắt nguồn từ sự gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt đã khiến người Việt Nam sớm nhận ra rằng, việc làng không thể tách rời với việc nước, muốn bảo vệ được làng giữ được nước phải có khối đoàn kết toàn dân.

Ý thức cộng đồng làng, một tiền đề hình thành văn hóa cộng đồng làng, một ý thức riêng biệt xuất hiện trước cả ý thức cộng đồng dân tộc và có vai trò đặc biệt tích cực hình thành thể chế dân chủ làng xã trước kia. Ý thức cộng đồng làng, và cơ bản, thể hiện trên hầu khắp các lĩnh vực đời sống làng xã, như một hệ phẩm chất của làng và con người trong làng. Có vẻ nhận thấy rất rõ ý thức cộng đồng làng trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng kinh tế; trong chống thiên tai địch họa bảo vệ làng xã, trong giữ gìn trật tự bảo vệ đời sống yên vui của làng, trong xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống ở cộng đồng, gia đình, cá nhân.

Mặt tích cực của văn hóa làng là ý thức cộng đồng, tinh thần tự quản và sự đoàn kết trong khai hoang, lập làng, làm thủy lợi, chống ngoại xâm, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa làng. Đó là ý thức tạo lập và giữ gìn khối quan hệ cộng đồng tốt đẹp, đoàn kết yêu thương, che chở, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm. Đó còn là lòng tự hào về vốn liếng văn hóa của làng và sự đóng góp hết mình để bảo tồn và phát huy các hoạt động, các giá trị văn hóa làng trong phạm vi làng và những phạm vi rộng hơn ở tầm vĩ mô, văn hóa làng còn góp phần mình vào phát triển không chỉ đời sống sinh hoạt của làng mà còn phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của cả cộng đồng, vùng, miền và đất nước. Thực tiễn đã cho thấy, sức mạnh văn hóa liên làng sự nhân lên của văn hóa nhiều làng sẽ tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước. Văn hóa làng giữ vai trò cơ sở của sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở làng nói riêng, ở nông thôn nói chung hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ ý niệm cố kết theo triết lý đại đồng phản ánh trong thần thoại và truyền thuyết đã dẫn đến thực tiễn cố kết trong các cộng đồng dân tộc từ thấp đến cao, từ địa bàn trung du nhỏ bé đến các địa danh được mở rộng theo địa hình quốc gia. Trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam, ý thức cố kết đã giữ một vai trò chính yếu: “Tứ Hải giai huynh đệ” và “gà cùng một mẹ chớ hề đá nhau”, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Trên cơ sở khái niệm về văn hóa làng về cố kết cộng đồng có thể thấy, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chính là xây dựng văn hóa làng, một thực thể một thiết chế xã hội quan trọng, theo hướng đi hai chiều, một chiều đưa vào áp dụng vào bằng những mô hình, những phong trào xây dựng văn hóa mới với chuẩn mực và tiêu chí chung; chiều khác là hình thức tác động tạo điều kiện để thiết chế, di sản tiềm năng văn hóa của làng có điều kiện nảy nở, bộc lộ, phát huy trên phạm vi rộng hơn.

Hiện nay, cùng với công cuộc đổi mới đất nước tạo ra sự biến đổi sâu sắc về các giá trị truyền thống. Giá trị liên kết cộng đồng trong xã hội đã có những biến đổi về các mặt: biến đổi của giá trị cộng đồng gia đình, biến đổi giá trị cộng đồng dòng họ, biến đổi giá trị đạo đức cá nhân theo các xu hướng khác nhau. Theo xu hướng tích cực: trong hoạt động kinh tế, ý thức cộng đồng vẫn được duy trì với các biểu hiện khác nhau. Trong hoạt động tâm linh, tính cố kết cộng đồng qua những linh hoạt lễ hội vẫn được duy trì, bên cạnh thỏa mãn nhu cầu tâm linh thiêng liêng còn có ý thức biết về cội nguồn, lòng tự hào với truyền thống của làng. Trong các sinh hoạt tang ma, cưới hỏi, làm nhà, dựng cửa, ý thức cộng đồng cần được đề cao. Nhưng hiện nay, giá trị cộng đồng làng có những biểu hiện tiêu cực, không gian kiến thức của làng bị phá vỡ và thay đổi theo chiều hướng đáng lo ngại. Con người trong nền kinh tế thị trường chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình. Thái độ sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, “khôn sống mống chết” trở thành một hiện tượng phổ biến. Chủ nghĩa cá nhân phát triển theo hướng tiêu cực. Theo các nhà nghiên cứu, tính liên kết cộng đồng còn tồn tại những hạn chế. Đó là vì quá đề cao tính tập thể nên thủ tiêu tính cá nhân, tính cộng đồng dẫn đến thói quen dựa dẫm ỷ lại tập thể, thói cào bằng đố kỵ không muốn ai hơn mình, tính tư hữu, cục bộ. Những hạn chế này cần được khắc phục trong quá trình phát triển làm sao đẩy mạnh truyền thống tốt đẹp của tính liên kết cộng đồng như truyền thống tôn vinh những dòng họ, truyền thống đồng cam cộng khổ trong làng xã, những truyền thống tốt đẹp trong nhân cách con người Việt Nam như tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tinh thần cộng đồng biết ơn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, tôn trọng đạo đức, cần kiệm giản dị, yêu nước yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và lạc quan.

Giá trị gia đình - dòng họ vẫn được duy trì, bảo lưu. Ý thức gắn bó huyết thống do nhu cầu tình cảm, quyền lợi cần được nuôi dưỡng. Từ bao đời nay, làng xã Việt Nam luôn là nơi cộng đồng dân cư sinh sống, gắn bó chặt chẽ với nhau trong các quan hệ kinh tế, dòng tộc và văn hóa và chính nơi đây góp phần gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác, ý thức cộng đồng làng không đồng nhất với ý thức cộng đồng dân tộc, nhưng nó là một trong những nguồn gốc của ý thức dân tộc. Trong trường hợp gặp tai họa xâm lược, vấn đề sinh tồn của làng xã và của đất nước được đặt ra khẩn cấp như nước sôi lửa bỏng thì ý thức làng và ý thức dân tộc là một. Lịch sử tất cả các cuộc chống ngoại xâm của nước ta đều xây dựng trên cơ sở chiến tranh nhân dân, thống nhất giữa làng xã và Nhà nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ nhân dân ta thực hiện “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng là một pháo đài” tạo ra sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Cộng đồng làng xã chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tập thể người Việt. Đây là nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam hiếm thấy ở các dân tộc khác trên thế giới. Rất nhiều nơi đặt ra “hương ước” để duy trì và bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng này và lợi ích của mỗi thành viên. Người xưa hay nói “phép vua thua lệ làng”, qua đó đủ thấy sức mạnh của hương ước (hay lệ làng) vì sự phục tùng của cá nhân đối với “lệ làng” còn hơn cả luật vua phép nước.

Truyền thống liên kết cộng đồng đi liền với cuộc hành trình của dân tộc mà nhờ đó dân ta vượt qua biết bao trở ngại, thử thách mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy thì tinh thần liên kết cộng đồng biểu hiện nổi bật nhất. Đó là trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện theo hướng cá nhân - gia đình - làng - nước. Quan hệ ứng xử trong cộng đồng theo hướng đó trở thành chuẩn mực, đạo lý cao cả của dân tộc.

Qua gần 30 năm đổi mới, giá trị liên kết cộng đồng càng được củng cố và phát huy trong nhiều chính sách kinh tế - xã hội, chủ trương chăm lo tổ chức, xây dựng các sinh hoạt cộng đồng làng, xã, thôn, bản nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giá trị cộng đồng từng bước được nâng cao, thể hiện ở những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy dân chủ và sự sáng tạo của nhân dân; kế thừa và phát huy được những truyền thống và giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; vai trò, uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền được củng cố và nâng cao.

Như thế, chính tinh thần vì con người, sự cố kết cộng đồng, nhân dân ta đã xem yêu nước, tự tôn dân tộc là phẩm chất cao quý của mọi người Việt Nam. Tinh thần yêu nước trở thành giá trị chủ đạo, xuyên suốt lịch sử của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước đó được gắn với ý chí tự lực, tự cường của dân tộc trên cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng - nước thành một thể thống nhất, trọng nghĩa tình đạo lý, lòng nhân ái bao dung; sự cần cù, sáng tạo trong lao động, tế nhị trong ứng xử... Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, giá trị yêu nước là “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị”(4). “Tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam”, “chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Ở đây, bản chất Việt Nam biểu lộ đầy đủ và tập trung nhất, hơn bất cứ ở chỗ nào khác. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam”(5), là sự phát triển tập trung lên trình độ cao của giá trị liên kết cộng đồng; yêu nước là thang bậc cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc, là sự tiếp nối của giá trị liên kết cộng đồng, thể hiện sức mạnh dân tộc Việt Nam từ truyền thống hiện đại.

(1) Phan Huy Lê - Vũ Minh Giang: Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 84
(2) C.Mác và Ph. Ăng-ghen: Hệ tư tưởng Đức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 434
(3) Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41
(4) Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia tr.94
(5) Trần Văn Giàu: Sđd, tr 100 - 101

Theo Mai Hải OanhPGS, TS. Tạp chí Cộng sản