Giá vàng hôm nay 1-7: Giá vàng thế giới giảm sâu

01/07/2022 - 08:26

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay (1-7) giảm sâu xuống gần ngưỡng 1.800 USD/ ounce. Trong nước, giá vàng tiếp đà tăng nhẹ lên gần 69 triệu đồng/ lượng bán ra.

Giá vàng thế giới hôm nay

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay (1-7) giảm sâu với giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 12,8 USD xuống còn 1.807,1 USD/ ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.805,4 USD/ ounce, giảm 12,1 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Thị trường kim loại quý thế giới đang chịu áp lực bởi sự vươn lên của đồng USD. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF)  giảm nhẹ nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 2 thập kỷ. Có thời điểm chỉ số USD Index tăng lên mức 105,15. Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay (1-7) giảm sâu. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, lập trường cứng rắn của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng đang làm suy yếu đáng kể sức hấp dẫn của kim loại quý. Mới đây, Fed đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc kiểm soát lạm phát bất chấp rủi ro có thể gây ra cho nền kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Sintra, Bồ Đào Nha, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định dù suy thoái hay không, Fed sẽ vẫn tăng lãi suất để giảm lạm phát. Chủ tịch Powell nói rõ rằng, Fed đã cam kết giảm lạm phát ngay cả khi tăng lãi suất mạnh mẽ có thể khiến tăng trưởng kinh tế gặp rủi ro.

Bình luận này của ông có nghĩa rằng, Fed sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để đạt được mục tiêu đưa lạm phát trở lại 2%.

Ông Powell thừa nhận "có một rủi ro" suy thoái kinh tế khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đi quá xa với chu kỳ tăng lãi suất của mình để hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, ông cho rằng, rủi ro lớn hơn sẽ là không khôi phục được sự ổn định giá cả.

Vàng trong phiên giao dịch giữa tuần cũng chịu áp lực bởi giá “vàng đen” giảm. Rạng sáng hôm nay, giá dầu thô đã giảm giảm xuống gần 105,8 USD/ thùng. Giá dầu giảm do dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng và lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn thế giới đã chiếm ưu thế so với những lo ngại liên tục về nguồn cung dầu thô đang ngày một thắt chặt.

Giá vàng trong nước hôm nay

Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (1-7) tiếp tục biến động nhẹ khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh tăng nhẹ hoặc giữ nguyên mức giao dịch của ngày trước đó. Hiện tại, giá vàng trong nước vẫn đang giao dịch quanh 68 triệu đồng/ lượng mua vào và gần 69 triệu đồng/ lượng bán ra.  

Rạng sáng hôm qua, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 68,3 triệu đồng/lượng mua vào và 68,92 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng ngày trước đó, giá vàng SJC đã tăng 100.000 đồng ở chiều mua nhưng giữ nguyên mức giao dịch ở chiều bán.

Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay 1-7 tăng nhẹ. Ảnh: thanhnien.vn 

Sau mức tăng 80.000 đồng vào rạng sáng ngày trước đó, giá vàng Phú Quý SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 70.000 đồng ở cả hai chiều lên lần lượt 68,2 triệu đồng/lượng mua vào và 68,85 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng DOJI ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang mua vào mức 68,15 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 68,85 triệu đồng/ lượng, tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều so với rạng sáng ngày trước đó.

Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.806,4 USD/ounce (tương đương 51 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng.

Giá vàng trong nước cập nhật 5 giờ 30 sáng 1-7 như sau:

Dự báo tiềm năng

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, biên tập viên và chuyên gia kim loại quý Byron King tại Agora Financial cho rằng, tuy vàng đang bị mắc kẹt trong vùng củng cố dưới mức 1.850 USD/ ounce, nhưng kim loại quý này vẫn có nhiều khả năng tăng giá trong dài hạn.

Theo chuyên gia này, việc vàng một lần nữa trở thành kim loại tiền tệ thiết yếu chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông cho rằng, với lạm phát tăng ngoài tầm kiểm soát, người tiêu dùng đang mất niềm tin vào tiền tệ pháp định.

Với lạm phát gia tăng và tốc độ tăng trưởng chậm lại, thế giới hiện đang đứng trước bờ vực của một cuộc suy thoái khác. Theo Byron King, người tiêu dùng bắt đầu mất niềm tin vào đồng USD. Địa chính trị đang thay đổi do cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến một số quốc gia đặt câu hỏi về vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.  

Gần đây, chính phủ Mỹ và các đồng minh phương Tây đã vũ khí hóa đồng USD để chống lại Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với quốc gia này. Tuy nhiên, King lưu ý rằng các lệnh trừng phạt này cũng có thể phản tác dụng và tiếp tục tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến lạm phát tăng cao hơn.

Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư đang bắt đầu nhận ra rằng vàng vẫn là một lựa chọn thay thế vững chắc cho USD. “Hành động của giá vàng là một minh chứng cho giá trị lịch sử của nó. Nắm giữ kim loại vật chất sẽ giúp bảo toàn của cải trong thời gian rất hỗn loạn này khi thế giới chuyển dịch khỏi đồng USD" King nói.

Theo TRẦN HOÀI (Quân đội nhân dân)