Giá vàng hôm nay 16-9: Thị trường ảm đạm, vàng suy yếu

16/09/2021 - 08:07

Giá vàng hôm nay 16-9 trên thị trường quốc tế suy yếu khi mà sức hấp dẫn của kênh đầu tư này không còn cao. Dòng tiền vẫn bị hút vào chứng khoán và thị trường tiền số.

Giá vàng trong nước

Kết thúc phiên giao dịch 15-9, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

Doji Hà Nội:  56,60 triệu đồng/lượng -  57,70 triệu đồng/lượng

Doji TP.HCM: 56,60 triệu đồng/lượng -  57,80 triệu đồng/lượng

SJC Hà Nội: 56,65 triệu đồng/lượng - 57,37 triệu đồng/lượng

SJC TP.HCM: 56,65 triệu đồng/lượng - 57,38 triệu đồng/lượng

Giá vàng quốc tế

Đêm 15-9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.797 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.797 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 15-9 thấp hơn khoảng 5,2% (98 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 15-9.

Giá vàng trên thị trường quốc tế suy yếu khi mà sức hấp dẫn của kênh đầu tư này không còn cao. Dòng tiền vẫn bị hút vào chứng khoán và thị trường tiền số.

Vàng giảm bất chấp đồng USD cũng suy yếu. Mỹ vừa công bố lạm phát hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng thấp hơn so với dự báo. Đây là một tín hiệu cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã đạt đỉnh.

Số liệu này làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng lạm phát có thể duy trì ở ngưỡng cao trong một thời gian nữa, cho tới khi những nút thắt về nguồn cung được giải quyết.

Giá vàng hôm nay 16-9: vàng suy yếu.

Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu vào ngày 21-9. Ngân hàng trung ương đang theo dõi các chỉ báo kinh tế quan trọng như lạm phát để quyết định khi nào thắt chặt chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời kỳ dịch bệnh của mình.

Ở Washington, Đảng Dân chủ Hạ viện Mỹ vào ngày 13-9 đã đề xuất tăng thuế mới đối với các tập đoàn và người giàu có để tài trợ cho mạng lưới an toàn xã hội và dự luật chính sách khí hậu trị giá 3,5 ngàn tỷ USD.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Trung Quốc cũng có dấu hiệu suy yếu với doanh số bán lẻ giảm tốc trong tháng 8 khi hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động đi lại ngay mùa cao điểm du lịch.

Dữ liệu kinh tế mới làm gia tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) và Chính phủ Trung Quốc đưa ra thêm chính sách hỗ trợ cho dù trước đó phủ nhận điều này.

Biến động giá vàng trên thế giới.

Dự báo giá vàng

Gần đây, giá vàng chịu áp lực giảm từ việc Fed tiến tới cắt giảm chương trình mua tài sản bởi khi đó đồng USD sẽ tăng giá. Nhiều nhà đầu tư lo ngại lạm phát cao có thể buộc Fed phải đẩy nhanh kế hoạch thu hẹp chương trình mua tài sản, thậm chí sớm bắt đầu nâng lãi suất.

Ở chiều ngược lại, giá vàng được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi sự lây lan của biến chủng Delta khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.

Vàng đang nỗ lực giữ mốc 1.800 USD/ounce. Nếu lực mua đủ sức đẩy giá lên vùng 1808-10$ (200-DMA) thì đà tăng sẽ được khẳng định. Sau đó, vàng sẽ có cơ hội đi xa hơn và mục tiêu là tiến tới vùng 1.832-1.834 USD/ounce. Mốc 1.834 mức giá mà vàng nhiều lần vàng không vượt qua được và được xác nhận là mức đỉnh trong ngắn hạn. Nếu chinh phục ngưỡng này thành công, vàng sẽ rộng cửa tiến lên 1.854 USD/ounce.

Vàng hiện được hỗ trợ ở ngưỡng 1.795 USD/ounce. Nếu không giữ được, đà giảm sẽ bị chậm lại tại hỗ trợ mạnh 1.780 USD/ounce.

Theo V.MINH (Vietnamnet)