Giá vàng xuống dưới 69 triệu đồng/lượng, nhưng độ vênh vẫn lớn

14/03/2022 - 19:17

Cuối giờ chiều 14-3, giá vàng SJC tiếp tục hạ nhiệt, bán ra dao động từ 68,8 - 69,02 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên khoảng cách giá mua và bán vẫn rất cao từ 1,7 – 2 triệu đồng/lượng; còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 14 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng trong nước có sự chênh lệch với giá thế giới từ nhiều năm trước nhưng mức chênh thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Tuy nhiên trong 1 - 2 năm gần đây, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới từ 10 - 15%.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng: Nguyên nhân của việc tồn tại chênh lệch lớn giá vàng trong nước với thế giới diễn ra ở vàng miếng là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường nên thị trường vàng của Việt Nam chưa có sự liền mạch với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, vàng vẫn chưa được là hàng hóa giao dịch chính thức trên sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV). Các giao dịch vàng chủ yếu là giao dịch giao ngay và là vàng vật chất.

Không chỉ vậy tại thị trường vàng trong nước, chênh lệch giữa giá mua và giá bán (spread) là một khoản chi phí khá lớn đối với các nhà đầu cơ. Thí dụ như giá vàng mua vào 68,4 triệu đồng/lượng, giá bán ra 70,22 triệu đồng/lượng thì độ vênh lên đến 1,82 triệu đồng, ở mức 2,5% là rất cao so với các loại hình tài sản tài chính khác. Điều này gây ra rủi ro lớn đối với người mua hay “ôm” vàng. 

Sau khi đạt đỉnh trong tuần trước, vàng SJC đã quay đầu đi xuống và hiện sụt về gần mức 69 triệu đồng/lượng. Vào 17 giờ chiều 14/3, giá vàng SJC giao dịch tại Doji là 67 - 68,80 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với phiên ngày 13/3. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng giảm 600.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với phiên trước, mua vào và bán ra là 67 – 69 triệu đồng/lượng. 

Tại hệ thống Phú Quý SJC, giá vàng giao dịch 67 – 68,8 triệu đồng/lượng. Giảm đồng loạt 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước, giá vàng SJC tại hệ thống SJC Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh giao dịch 67,3 – 69,02 triệu đồng/lượng. 

Chú thích ảnh

Giá vàng trong nước cao hơn thế giới gia tăng đồng nghĩa với lực mua vàng trên thị trường tăng cao, nhiều người dân rút tiết kiệm mua vàng đồng thời giá USD cũng tăng mạnh.

Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco là 1.980,2 USD/ ounce, (tương đương 54,9 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trên 14 triệu đồng/lượng.

Nghị định 24/2012 (NĐ 24) quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam đã được thi hành gần 10 năm. Nghị định được ra đời trong bối cảnh giá vàng thế giới ở mức 1.670USD/oz và giá vàng trong nước chỉ 42,5 triệu đồng/lượng. Nhưng có thời điểm giá vàng thế giới lên 2.054 USD/oz, còn giá vàng trong nước đỉnh điểm là hơn 74 triệu đồng/lượng.  

Nếu như trước đây chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới từ mức quanh 2 triệu đồng/lượng, nay có lúc trên 18 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua vào và bán ra 500.000 đồng/lượng nay có thời điểm hơn 2 triệu đồng/lượng. Những con số này đã phần nào nhìn thấy tính bất cập của NĐ 24.

Theo TS Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), trong 10 năm qua, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới không thu hẹp mà có xu hướng mở rộng. Điều này được lý giải thông qua cung - cầu vàng trong nước. Đặc biệt 2 năm gần đây, chênh lệch giá vàng càng được mở rộng lớn hơn mức “bình thường”. 

“Do cầu vàng gia tăng mạnh, lượng vàng nhập khẩu chính thức thì hạn chế, đã đưa đến tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới (những vụ án buôn lậu vàng thời gian qua rất nhiều từ Việt Nam - Campuchia). Việc không can thiệp vào thị trường vàng càng làm gia tăng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới kéo dài sẽ làm cho nguồn lực phòng chống buôn lậu trở nên căng thẳng. Do vậy, thị trường vàng cần được nghiên cứu, tổ chức lại để nâng cấp cho NĐ 24/2012, đáp ứng cho bối cảnh mới của giá vàng”, TS Lê Đạt Chí cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng: Với những bất ổn về địa chính trị cũng như lạm phát như hiện nay thì trong thời gian ngắn tới, giá vàng sẽ còn nhiều biến động lớn; gây rủi ro đối với những nhà đầu tư muốn "lướt sóng" trong giai đoạn này. Vì vậy, thị trường vàng được vận hành theo cơ chế thị trường hoàn chỉnh, thí dụ như có sàn giao dịch liên thông với thế giới, vàng vật chất có thể mua dưới dạng giấy chứng nhận… khi đó vàng sẽ được xem là một kênh đầu tư chứ không chỉ là kênh để trú ẩn, bảo toàn giá trị.

Còn theo nhận định của Công ty CP chứng khoán VnDirect, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra, giá vàng thường lập đỉnh trong 2 - 3 tuần sau đó với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng hạ nhiệt khi tình hình căng thẳng giảm bớt. Các chuyên gia của VnDirect nhận định: Khoảng từ 3 - 12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ "phai nhạt", lúc đó động lực của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.

Theo Báo Tin Tức