Lúc 6h ngày 21/9, giá dầu Brent giao dịch ở mức 74,49 USD/thùng, giảm 0,39 USD/thùng so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,92 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ là do nhu cầu chậm từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn hàng đầu thế giới. Trong tháng 8, sản lượng lọc dầu tại Trung Quốc đã chậm lại tháng thứ 5 liên tiếp, trong khi đó tăng trưởng sản lượng công nghiệp cũng chậm lại ở mức thấp nhất trong 5 tháng và doanh số bán lẻ cùng giá nhà mới tiếp tục giảm.
Mặc dù giá dầu hôm nay giảm nhẹ, nhưng tính cả tuần, hai loại dầu tiêu chuẩn đều tăng hơn 4%. Giá dầu đã phục hồi sau khi dầu Brent “rơi” xuống dưới 69 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 10/9.
Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết giá dầu đã phục hồi một phần bởi đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay của Mỹ trong tuần này.
Giá đã tăng trong phiên giao dịch ngày 19/9, một ngày sau quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng một số nhà phân tích lo ngại về sự sụt giảm của thị trường lao động Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay, cắt giảm toàn bộ 100 điểm cơ bản vào năm tới và giảm thêm 50 điểm cơ bản vào năm 2026.
Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics, cho biết: Quyết định cắt giảm lãi suất của Fed và tác động từ bão Francine là 2 yếu tố duy nhất đang hỗ trợ thị trường.
Giá xăng dầu trong nước
Trong kỳ điều hành ngày 19/9, giá xăng RON95 tăng 130 đồng/lít, không cao hơn 19.760 đồng/lít, giá xăng E5 RON92 tăng 50 đồng/lít, không cao hơn 18.940 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 120 đồng/lít, còn 17.040 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 240 đồng/lít, về 17.550 đồng/lít.
Ngược lại, dầu mazut bật tăng lên 14.820 đồng/kg. Tại kỳ điều hành, liên Bộ tiếp tục không trích hay chi quỹ bình ổn.