Lúc 11h30 ngày 5/1, giá dầu thô WTI của Mỹ đứng mức 73,6 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giao dịch mức 78,7 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn rất nhiều bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 21/12/2022 và kỳ điều hành 3/1. Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá này là 89,110 USD/thùng xăng RON92 và 92,513 USD/thùng xăng RON95.
Giá xăng có thể sẽ giảm trong kỳ điều hành ngày 11/1.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá dầu thế giới những ngày gần đây giảm mạnh, mất hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 3/1 do áp lực từ nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc yếu sau nới lỏng biện pháp phòng chống dịch. Nhà lãnh đạo này cho rằng nếu giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm, tại kỳ điều hành giá trong nước tới đây, nhà quản lý có thể sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. "Mức giảm phụ thuộc vào giá dầu thế giới từ nay đến trước kỳ điều hành giá ngày 11/1 và việc trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG)", vị này cho hay.
Tại kỳ điều hành ngày 3/1, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 332 đồng/lít, bán ra 21.352 đồng/lít; xăng RON95 tăng 347 đồng lít, bán ra 22.154 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu diesel giữ nguyên giá mức 22.151 đồng/lít trong khi dầu hỏa tăng 601 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.767 đồng/lít; dầu mazut tăng 107 đồng/kg bán ra không cao hơn 13.740 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut, trong khi thực hiện trích lập đối với dầu diesel ở mức 605 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít). Không thực hiện chi Quỹ quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, thực hiện chi đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 350 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg.
Trước đó, mỗi lít xăng tăng 1.045 - 1.100 đồng, còn dầu tăng 330 - 770 đồng do thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 0h ngày 1/1.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cho hay, thị trường xăng dầu thế giới gần đây chịu ảnh hưởng của các yếu tố như diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh; việc Nga có khả năng cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với các quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng tăng giá của giá xăng dầu thế giới và thuế bảo về môi trường nên để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu, trong đó ngừng trích lập với xăng và dầu mazut do giá tăng cao, bên cạnh đó thực hiện chi Quỹ BOG với xăng và dầu mazut để hạn chế mức tăng giá cao so với giá kỳ trước.
"Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh... hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân", báo cáo của Liên bộ nêu.
Theo HOÀ BÌNH (VTC News)