Giải bài toán sản xuất và tiêu thụ xoài ở huyện cù lao

05/04/2021 - 07:28

 - Cùng với các địa phương khác, Chợ Mới đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đến nay, có hơn 6.300ha trồng xoài, chiếm 85,53% diện tích cây ăn trái. Trong đó, 704 ha xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 4.600ha xoài đến tuổi cho trái, chiếm tỷ lệ 73,7%.

Nông dân Bình Phước Xuân thu hoạch xoài

Thực tế cho thấy, xoài cho nông dân thu nhập rất cao, người dân đổi đời cũng từ cây xoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên vấn đề đặt ra: diện tích lớn, sản lượng cao, nhưng đầu ra, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và thương lái; chưa có nhà máy chế biến nông sản từ xoài dẫn tới đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh...

Theo kế hoạch của UBND huyện Chợ Mới về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó “Xây dựng và ổn định vùng chuyên canh cây ăn trái đến năm 2015 là 2.824ha, đến năm 2020 là 4.223ha”. Thế nhưng, thấy được hiệu quả mang lại từ cây xoài so trồng lúa và rau màu, người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa, rau màu sang trồng xoài nên đến nay huyện đã đạt diện tích hơn 6.300ha xoài, hầu hết là xoài 3 màu.

Để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, tỉnh, huyện đã hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Chợ Mới là vùng chuyên canh xoài duy nhất của tỉnh có 704ha xoài đạt chuẩn VietGAP (đạt 277,2% kế hoạch) và được cấp 7 mã code xuất khẩu xoài sang các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc. Nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất với kinh nghiệm sản xuất ngày càng nâng cao. Dân trồng xoài cù lao giờ rất giỏi, bởi họ biết quản lý sâu bệnh tổng hợp, kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu trái, kỹ thuật ghép bo, cành, kỹ thuật tạo tán... để giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích.

Xoài thu hoạch 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 17,5 tấn/ha. Thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, xoài loại 1 giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, việc sản xuất và tiêu thụ xoài khó khăn, giá xoài thấp, nông dân sản xuất lợi nhuận không cao. Hiện, xoài loại 1 giá 15.000 đồng/kg, loại 2 giá 7.000-8.000đồng/kg, bán xô giá 7.000 đồng/kg, xoài cóc 4.000 đồng/kg.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Lưu Minh Tuấn cho biết, gần đây tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thu được không cao so các năm vì ảnh hưởng thời tiết, năng suất, sản lượng xoài thấp, giá cả bấp bênh, xoài đạt chuẩn chỉ chiếm sản lượng khoảng 60% (loại 1 và 2), còn lại xoài cóc (xoài hạt lép) chiếm tỷ lệ cao (40%). Nguyên nhân được cán bộ kỹ thuật địa phương và người dân nhận định do bị tác động trong quá trình thụ phấn, tuy nhiên đến nay chưa có cơ sở khoa học hay đề tài nghiên cứu nào chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xoài cóc.

Chú Trần Văn Ngá (ấp Bình Phước, xã Bình Phước Xuân) chia sẻ: “Trước tôi trồng khoai cau, sau chuyển sang trồng xoài 2.000m2, năm đầu tiên bán được 85 triệu đồng, tiếp tục trồng thêm 6.000m2 xoài nữa. 8.000m2 xoài đã thu hoạch trái được 4 năm, thu hoạch 2 vụ/năm; 2 năm đầu xoài loại 1 nhiều, về sau tỷ lệ xoài cóc chiếm hơn 60-70%; thu được 3 tấn/công xoài cóc. Nếu như Tết bán giá 45.000 đồng/kg xoài loại 1, xoài cóc 18.000 đồng, nay còn 16.000 đồng/kg (xoài loại 1), xoài cóc 4.000 đồng/kg, xoài loại 3 còn 2.000 đồng/kg, vậy mà có thời điểm xoài rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/kg”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân) thông tin: “Tôi chuyển trồng xoài 3 màu được 17.000m2 vì dễ chăm sóc, năng suất cao. Bình quân 1 năm thu nhập hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí 100-200 triệu đồng còn lãi cao, giá cả dù không ổn định nhưng không lỗ. Tuy nhiên, để nâng giá trị trái xoài, không dội chợ, rớt giá, rất cần có công ty ký hợp đồng bao tiêu”.

Để giải bài toán sản xuất - tiêu thụ xoài bền vững, huyện Chợ Mới đang nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn để có thể tiêu thụ được nhiều thị trường. Phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường mời gọi đầu tư, đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nhằm sử dụng các sản phẩm nông sản hiện có làm nguyên liệu sản xuất. Khuyến cáo nông dân trồng xoài rãi vụ, nhằm điều tiết tốt lượng cung hàng hóa theo nhu cầu thị trường, hạn chế việc “dội chợ”. Củng cố năng lực hoạt động của hợp tác xã là động lực cho quá trình phát triển, là người tổ chức sản xuất, là người cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm trong một chuỗi giá trị.

H.C