Giải đáp vướng mắc trong hòa giải, đối thoại tại tòa án

15/07/2021 - 05:10

 - Tòa án nhân dân (TAND) tối cao có Văn bản 01/2021/GĐ-TANDTC, ngày 1-7-2021 giải đáp 35 vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, một số nội dung cần lưu ý.

Hòa giải viên là chuyên gia, nhà chuyên môn khác, người có uy tín trong cộng đồng dân cư

Chuyên gia là những người được đào tạo theo hướng chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung, trình độ từ đại học trở lên. Chuyên gia theo lĩnh vực, như: tâm lý học, thương mại, tài chính, sở hữu trí tuệ...

Theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thì người có uy tín là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; được người dân trong cộng đồng tôn trọng, tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người thường được đồng bào DTTS mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, bản làng; chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS (Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Công giáo...); nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được đồng bào tín nhiệm là người có uy tín. Tùy tình hình thực tiễn tại địa phương, tòa án có thẩm quyền tuyển chọn chuyên gia, nhà chuyên môn khác, người có uy tín trong cộng đồng dân cư đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để bổ nhiệm hòa giải viên.

Tranh chấp đất đai chưa qua thủ tục hòa giải ở xã, phường thì không hòa giải tại tòa án

TAND có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã (không thành) theo quy định tại Điều 203 của Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan. Như vậy, đối với những tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp ranh giới thửa đất chưa qua thủ tục hòa giải ở xã, phường thì không được hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại TAND vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.

Người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho người khác tham gia đối thoại

Khoản 3, Điều 25 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định: “Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện”.

Như vậy, khi tham gia đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại TAND, người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho người khác, không phải là cấp phó của mình. Nhưng phạm vi ủy quyền phải thể hiện người được đại diện có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết vụ việc, tức là đại diện trong việc giải quyết toàn bộ các vấn đề của vụ việc.

Phân công thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Điểm c, Khoản 1, Điều 3 và Điểm a, Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 02/2020/TT-TANDTC, ngày 16-11-2020 của Chánh án TAND tối cao quy định chi tiết về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án thì Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc cấp huyện phân công thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đối với mỗi vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính trong thời hạn luật định. Như vậy, theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án không quy định việc phân công thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của chánh án tòa án phải bằng quyết định. Chánh án có thể phân công thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại bằng quyết định hoặc hình thức khác để phù hợp và thuận tiện cho việc quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại.

Không cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện cho hòa giải viên

Hòa giải, đối thoại tại tòa án được tiến hành trên tinh thần tự nguyện của các bên với sự hỗ trợ của hòa giải viên. Do đó, nếu hòa giải viên yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện mà các bên không cung cấp thì hòa giải viên động viên, thuyết phục để các bên thấy được việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để hòa giải viên có đầy đủ thông tin, từ đó hỗ trợ tối đa cho các bên trong việc đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Nếu các bên vẫn không cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện thì hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại trên cơ sở các thông tin, tài liệu hiện có.

Người ký vào biên bản hòa giải, đối thoại

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 40 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 2 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại. Khoản 3, Điều 41 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định: “Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của luật này...”.

Như vậy, khi một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 2 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại thì hòa giải viên lập biên bản chấm dứt hòa giải, đối thoại có chữ ký của những người tham gia hòa giải, đối thoại có mặt.

K.N