
Dây chuyền sản xuất modul camera và linh kiện điện tử xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH MCNEX VINA, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, trong Khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Sự kiện thu hút trên 200 đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số đòi hỏi thực tiễn phải tăng cường năng lực nội sinh và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và các động lực tăng trưởng truyền thống dần cạn kiệt, Việt Nam buộc phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh nêu rõ một số giải pháp đột phá, trong đó, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giá trị gia tăng cao làm trọng tâm, thay vì tiếp tục dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ hay đầu tư công. Khu vực kinh tế tư nhân phải trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; thể chế hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình phải là nền tảng cốt lõi.
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh cũng cho rằng, Việt Nam cần xóa bỏ tình trạng chồng chéo thể chế, cải thiện năng lực điều hành chính sách linh hoạt, chủ động, dài hạn; mở rộng không gian tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển, đổi mới sáng tạo, đồng thời phát triển các không gian liên kết trung tầng giữa đô thị và vùng phụ cận. Đặc biệt, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhân tài cần được xác định là yếu tố then chốt. Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược đào tạo thế hệ lao động sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh; đa dạng hóa nguồn lực tài chính, phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, đồng thời đảm bảo kỷ luật tài khóa và hiệu quả đầu tư công.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Việt Nam cần xây dựng một nền hành chính công dấn thân, liêm chính cùng với việc chuyển đổi mô hình quản trị sang quản trị thích ứng, định hướng sứ mệnh phát triển. Bên cạnh đó, việc chuyển hóa cơ cấu là chìa khóa cho tăng trưởng cao, với những trụ cột nền tảng gồm: Phát huy vai trò, động lực chính của khu vực kinh tế tư nhân; phát triển khu vực công với khả năng thích nghi và hợp tác liên ngành tốt. Đồng thời, nâng cao ba cấp độ năng lực, đó là năng lực nhà nước về tính chính danh và cam kết phát triển; năng lực chính sách về thiết kế và thực thi đồng bộ và năng lực hành chính chuyên nghiệp, linh hoạt. Nếu thiếu những năng lực này, các cải cách dễ rơi vào tình trạng phân mảnh, ngắn hạn và bị chi phối bởi nhóm lợi ích.
Chia sẻ giải pháp đột phá về thể chế hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô trong quan điểm phát triển, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng với đầu tư công đạt 8-9% GDP, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển; cần thắt chặt hợp lý chính sách tiền tệ, hạn chế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để tránh nguy cơ lạm phát và bất ổn vĩ mô.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung chỉ rõ việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, lấy các định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm làm kim chỉ nam. Các trọng tâm cải cách thể chế bao gồm: Từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao nguyên tắc thị trường và loại bỏ cơ chế “xin - cho”; rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật chồng chéo, không rõ ràng; chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; quản lý theo kết quả; phân cấp mạnh mẽ cho địa phương; phát triển nền hành chính hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp và kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đề xuất hình thành các “điểm” thể chế đột phá như khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao và khu thương mại tự do chuyên ngành, với thể chế vượt trội theo thông lệ quốc tế tốt, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo và tăng năng suất trong kỷ nguyên mới.
Theo Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số, giải pháp phát triển nguồn nhân lực và nhân tài chính là yếu tố then chốt, do đó cần cải cách và chấn hưng giáo dục với định hướng “học làm người trước, học làm việc sau”, gắn giáo dục với thực tiễn và tư duy sáng tạo. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, thống nhất giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, mở rộng liên kết với doanh nghiệp và quốc tế. Đặc biệt, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Đồng thời, đưa ứng dụng công nghệ số, AI vào giáo dục, đào tạo và xây dựng chế độ công vụ mới theo vị trí việc làm, cùng với hoàn thiện thể chế pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi như: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Nhiều ý kiến cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt trội, đồng thời đề xuất các giải pháp, khuyến nghị cụ thể nhằm hỗ trợ Chính phủ xây dựng chiến lược thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo TTXVN