Giải pháp nào cho thủy điện sông MeKong?

29/12/2019 - 09:44

Hiện nay, việc các nước xây dựng 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông MeKong đã làm phát sinh những hệ quả tiềm tàng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và kinh tế - xã hội các quốc gia khu vực hạ lưu. Do đó, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của các công trình thủy điện đối với đời sống của người dân châu thổ, vốn lệ thuộc rất nhiều vào sông MeKong.

Phát triển thủy điện ồ ạt trên sông Mê Công gây sạt lở ở khu vực hạ du

Sinh kế của người dân châu thổ bị ảnh hưởng do xây dựng quá nhiều công trình thỉu điện trên sông Mê Công

Đời sống người dân châu thổ gắn chặt với sông Mê Công

Thực trạng

Hiện nay, tại vùng Hạ lưu vực sông MeKong, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính. Trong đó, Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới 2 nước và Campuchia có 2 công trình. Trong khi đó, Lào sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông, đồng thời Ủy hội Sông MeKong quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho hai công trình khác của nước này là Pắc-Beng và Pắc-Lay. Nhìn trên bản đồ lưu vực sông Mê Công, có thể thấy các công trình thủy điện này đang “băm nát” dòng chính con sông với mức độ dày đặc.

Theo đó, việc phát triển thủy điện dòng chính trong vùng Ha ̣lưu vực sông MeKong được tiến hành từ năm 2011 với công trình nằm cách thị trấn Xay-nha-bu-li khoảng 30km về phía đông ở Bắc Lào. Năm 2013, Chính phủ Lào công bố kế hoạch xây dựng đập dòng chính thứ 2, dự án thủy điện Đôn Sa-hông trong khu vực Sì-phằn-đon ở Nam Lào. Các quốc gia khác trong khu vực cũng đã có kế hoạch xây dựng 9 dự án thủy điện trên dòng chính với quy mô và công suất điện năng khác nhau, cùng một số phương án chuyển nước trong vùng Hạ lưu vực sông MeKong.

Tập đoàn DHI (chuyên nghiên về ngành nước và môi trường của Đan Mạch) dựa trên nhiều biện pháp nghiên cứu và giả định các kịch bản khác nhau từ thực trạng xây dựng hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính sông MeKong đã quan ngại rằng: việc xây dựng và hoạt động của một hoặc tất cả các dự án này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi rộng lớn đối với kinh tế - xã hội và môi trường ở tất cả quốc gia trong vùng Hạ lưu sông MeKong, đặc biệt là các vùng đồng bằng ngập lũ thuộc 2 nước Campuchia và Việt Nam.

Cụ thể, bậc thang thủy điện sẽ làm gia tăng biến động về lưu lượng và mực nước mạnh nhất ở ngay khu vực hạ du công trình thủy điện. Đồng thời, có thể gây tác động tới chế độ dòng chảy của sông MeKong. Đoạn sông trên phần lãnh thổ Campuchia ngay hạ lưu của bậc thang thủy điện cuối cùng được coi là chịu tác động lớn nhất của sự sụt giảm và dao động mực nước bất thường. Song song đó, tổng lượng phù sa, bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% tại Kra-chê (Campuchia) và Tân Châu – Châu Đốc (tỉnh An Giang, Việt Nam), từ đó sẽ làm giảm mạnh năng suất sinh học và sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng xói lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông và ven biển.

Đặc biệt, thiệt hại kinh tế hàng năm do sụt giảm sản lượng nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam là khoảng 15,8 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 760 triệu USD). Theo đó, các tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp sẽ chịu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhất là sự tổn thất về lượng chất dinh dưỡng tự nhiên do phù sa mang tới. Tập đoàn DHI cũng ước tính rằng, trên 30 xã ở tỉnh Đồng Tháp và khoảng 70 xã ở tỉnh An Giang sẽ mất hơn 10% thu nhập ròng. Đối với Campuchia, thiệt hại ước tính khoảng 1,8 ngàn tỷ KHR (tương đương khoảng 450 triệu USD) do sụt giảm sản lượng nông nghiệp và thủy sản.

Đó là chưa kể khi các công trình thủy điện này cùng vận hành sẽ làm gia tăng việc xâm nhập mặn ở khu vực ven biển. Về lâu dài, sẽ có thêm 1,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL trong những năm hạn hán nặng và các nhà máy điện gia tăng công suất hoạt động. Với việc nhìn nhận đồng bằng châu thổ sông MeKong là một hệ thống tài nguyên duy nhất có tầm quốc gia và quốc tế, bậc thang thủy điện dòng chính cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn hệ thống thiên nhiên này dẫn tới tình trạng suy thoái tất cá các giá trị hiện có của châu thổ.  

Giải pháp cho thủy điện trên sông MeKong

Với nhiều tác động như trên, DHI đề xuất không nên xây dựng thêm các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Công. Đồng thời, cần nghiên cứu lại vị trí các đập đang có kế hoạch xây dựng và cân nhắc việc phát triển thủy điện bằng phương pháp tiếp cận rộng lớn để đảm bảo hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện phải tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội Sông MeKong quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đầu tư trong Dự án thủy điện Luông Prabang (Lào) dựa trên sự cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Điều này thể hiện sự xem xét cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam đối với việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông MeKong. Với quyết định này, Việt Nam có thể chủ động tham gia từ giai đoạn thiết kế đến xây dựng và vận hành công trình, từ đó có biện pháp thúc đẩy những giải pháp giảm thiểu tác động về phía hạ du, đặc biệt là đối với ĐBSCL. Bắt đầu từ Dự án thủy điện Pắc Beng và Pắc Lay ở Lào, việc đánh giá tác động quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng… đã được các quốc gia chú trọng, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc và tinh thần đó sẽ tiếp tục với Dự án thủy điện Luông Prabang.

 Hiện nay, mối quan tâm của Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ trên dòng chính sông MeKong mà còn cả tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của bậc thang thuỷ điện kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí. Trên cơ sở đó, các nước trong lưu vực MeKong cần xem xét cẩn trọng và toàn diện khi thực hiện các dự án thủy điện trên dòng chính sông MeKong, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động đến hệ sinh thái, sản lượng thủy sản và sinh kế của người dân hạ nguồn.

Đối với Châu thổ MeKong, an ninh lương thực, sức khỏe và kinh tế của người dân địa phương gắn chặt với sự toàn vẹn của môi trường tự nhiên. Việc phát triển thủy điện dòng chính sông MeKong có thể gây ra các tổn thất lâu dài và không thể phục hồi đối với vùng đồng bằng ngập lũ cùng với việc suy giảm mạnh các điều kiện kinh tế - xã hội của hàng triệu người dân, tạo gánh nặng lên nền kinh tế của địa phương, của vùng và thậm chí là cả quốc gia.

Do đó, Việt Nam chủ trương phải đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội. Đặc biệt, mọi hoạt động về phát triển tài nguyên nước đều cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và có căn cứ khoa học. Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Sông MeKong Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong khu vực thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để có thêm các luận cứ vững chắc, trợ giúp hiệu quả cho quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông MeKong nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng. Đặc biệt, quá trình tham vấn cho dự án thủy điện Luông Prabang cần phải trở thành hình mẫu trong việc giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông MeKong về sau này.

THANH TIẾN