Giải quyết khó khăn về nguồn cung ứng cát

18/06/2024 - 18:13

 - Nếu kết hợp khai thác hợp lý nguồn cát biển và cát sông cho các công trình trọng điểm của ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh thì nguồn cung vật liệu cát có thể đáp ứng được yêu cầu. Hai vấn đề cần đặt ra là giải quyết nhanh về thủ tục khai thác các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu và đánh giá khách quan, khoa học về tác động của cát biển khi làm đường cao tốc.

Nguồn vật liệu cát cần cho các công trình giao thông rất lớn

Nhu cầu còn lớn

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có nhiều mỏ cát được hình thành trên sông Tiền, sông Hậu. Trong bối cảnh hàng loạt tuyến cao tốc và công trình trọng điểm được khởi công xây dựng ở ĐBSCL, đặc biệt là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (cao tốc trục ngang) và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc trục dọc, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông), nhu cầu cát rất lớn, An Giang sẵn sàng giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù để hỗ trợ các địa phương khác.

Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, UBND tỉnh An Giang đã cấp bản xác nhận thu hồi khoáng sản 5 khu mỏ và 1 dự án nạo vét với trữ lượng hơn 6,8 triệu m3 (chỉ tiêu phân bổ 7 triệu m3). Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã giao 2 mỏ cho TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, với trữ lượng hơn 5,9 triệu m3 (chỉ tiêu phân bổ 7,5 triệu m3). Riêng đối với đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua An Giang, nhu cầu hơn 9,3 triệu m3, đến nay bàn giao được hơn 5,9 triệu m3 (còn thiếu gần 3,4 triệu m3).

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang Thái Minh Hiển cho biết, tính chung đến nay, tỉnh đã cấp 10 bản xác nhận giao 10 mỏ cát cho các công trình cao tốc ở ĐBSCL theo cơ chế đặc thù, với trữ lượng 15,2 triệu m3, còn thiếu 5,1 triệu m3 so nhu cầu. Riêng đối với An Giang, bên cạnh thiếu gần 3,4 triệu m3 cho đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh, tổng nhu cầu cát cho các công trình nội tỉnh khoảng 8,5 triệu m3. Tuy nhiên, ngoài các mỏ được giao cho nhà thầu cao tốc theo cơ chế đặc thù, hiện chỉ còn dự án chỉnh trị Vàm Nao đang khai thác với trữ lượng 3,4 triệu m3, trong đó có 1,5 triệu m3 cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, 1,5 triệu m3 cung cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua An Giang), còn lại 400.000 m3 cung cấp cho các công trình nội tỉnh.

Tháo gỡ thủ tục

Để đáp ứng nhu cầu nguồn cát, Giám đốc Sở TN&MT An Giang Thái Minh Hiển đề nghị cần tháo gỡ nhanh các thủ tục để khai thác những mỏ cát khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với mỏ cát trên sông Hậu, thuộc khu vực xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) giáp với huyện Phú Tân, trữ lượng gần 1 triệu m3, có doanh nghiệp trúng đấu hơn 1 năm nay, đã nộp tiền cấp quyền khai thác và ký quỹ, nhưng còn vướng thủ tục cho thuê đất mặt nước nên chưa cấp phép khai thác được. Trong khi đó, Điều 152, Luật Đất đai 2013 đã có quy định về cho thuê đất mặt nước, nên áp dụng thu tiền cho thuê đất mặt nước để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục, tiến hành khai thác.

Sở TN&MT đã xây dựng đề cương đo đạc đối với 5 khu mỏ và 2 dự án chỉnh trị dòng chảy có khả năng khai thác, thu hồi khoáng sản, kinh phí thuê thực hiện hơn 1,3 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt sớm, sẽ kịp thời đo đạc, tính toán trữ lượng, cho tiếp tục khai thác ngay đối với những mỏ còn khả năng khai thác.

Theo ông Thái Minh Hiển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/NĐ-CP, ngày 20/5/2024 quy định về quản lý hoạt động nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Nghị định mới đã hướng dẫn rõ, tháo gỡ vướng mắc của Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018 trong vấn đề nạo vét thông luồng. Theo đó, Chính phủ giao thẩm quyền cho cấp tỉnh thực hiện quy trình nạo vét thông luồng kết hợp thu hồi khoáng sản, cung cấp cho các công trình trong tỉnh. Nếu thực hiện sớm, vừa giải quyết được tình trạng bồi lắng lòng sông hiện nay, vừa có nguồn vật liệu đáp ứng nhu cầu.

Thông suốt về cát biển

Trong bối cảnh nguồn cát sông không đủ đáp ứng nhu cầu thi công hàng loạt công trình trọng điểm vùng ĐBSCL, vấn đề sử dụng cát biển cho cao tốc trở nên cấp bách.

Sau khi các bộ, ngành Trung ương thử nghiệm, đánh giá nguồn cát biển ở tỉnh Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công trình đường bộ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã gửi văn bản cho các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu về nhu cầu sử dụng cát biển. Theo đó, tỉnh Hậu Giang đã đăng ký nhu cầu 2 triệu m3, TP. Cần Thơ nhu cầu 4 triệu m3, Tập đoàn Đèo Cả 4,2 triệu m3, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận 6 triệu m3... Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh đã thành lập hội đồng xét duyệt nhà thầu để cấp bản xác nhận cho các nhà thầu đủ điều kiện, tiến hành khai thác, sử dụng cát biển. Vấn đề cấp quyền khai thác ngoài phạm vi 6 hải lý cũng đã được Bộ TN&MT tháo gỡ.

Đại diện Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết, sau khi được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận, đơn vị sẽ trình Bộ TN&MT hồ sơ, thủ tục, thành lập đội tàu hút cát, áp dụng tổ công tác kiểm tra quá trình khai thác giống như mỏ cát ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang nhằm đảm bảo chặt chẽ, kịp thời cung cấp nguồn cát biển cho các nhà thầu thi công cao tốc.

Liên quan tới thông tin tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), một số diện tích lúa giáp cao tốc Hậu Giang - Cà Mau bị chết, nghi ngờ do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “Dự án này chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả”. Đại diện Ban điều hành Trường Sơn (nhà thầu thực hiện dự án) cũng khẳng định, đơn vị không dùng cát biển làm đường tại khu vực lúa chết mà người dân phản ánh. Theo đó, nguồn gốc, xuất xứ cát được lấy từ 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và việc quản lý nguồn cát cũng được đơn vị thực hiện rất chặt chẽ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành đánh giá trung thực, khách quan về tác động khi sử dụng cát biển cho công trình giao thông để trả lời đầy đủ với người dân; đề nghị báo chí thông tin khách quan, có cơ sở, tránh gây hoang mang dư luận. Đồng thời, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các bộ, ngành vào ĐBSCL làm việc với các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ khai thác cát sông, cát biển phục vụ công trình trọng điểm.

NGÔ CHUẨN